Chủ Nhật, 5/5/2024 - 03:42:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hoàn thiện cơ chế, chú trọng giám sát, kiểm toán… để phòng nợ xấu phát sinh

THỨ HAI, 23/07/2018 09:10:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Qua kiểm toán Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 và các ngân hàng những năm gần đây, KTNN nhận thấy, mặc dù công tác xử lý nợ xấu đã có những chuyển biến tích cực nhưng về bản chất, nợ xấu vẫn đang tồn tại ở các TCTD yếu kém; tiềm ẩn trong các khoản nợ xấu nội bảng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, các khoản nợ cơ cấu lại, trái phiếu DN và các khoản phải thu bên ngoài. Do đó, hiện nay, phòng ngừa nợ xấu phát sinh tại các TCTD vẫn là một yêu cầu cấp thiết, đỏi hỏi hệ thống ngân hàng phải thực hiện nhiều biện pháp cụ thể.

 Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng

Một trong những biện pháp quan trọng góp phần phòng ngừa nợ xấu phát sinh tại các ngân hàng chính là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tín dụng. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, quan điểm cấp tín dụng cần phải được thay đổi theo hướng ưu tiên về chất lượng và tăng cường quản trị rủi ro tín dụng, thay vì chỉ ưu tiên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Cơ cấu tăng trưởng tín dụng cần hạn chế tập trung vào những lĩnh vực có rủi ro cao mà nên phân tán vào nhiều ngành nghề kinh tế; đa dạng hóa các loại hình khách hàng; ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo định hướng của Chính phủ và Quốc hội. 

Việc nâng cao chất lượng tín dụng không chỉ có ý nghĩa tăng thu nhập, giảm nợ khó đòi đối với ngân hàng mà quan trọng hơn là đảm bảo vốn ngân hàng đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, các TCTD cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Phân cấp thẩm quyền tín dụng phù hợp với định hướng tập trung hoạt động phê duyệt tín dụng tại hội sở chính, thực hiện phân cấp thẩm quyền tín dụng phải gắn với quy mô, chất lượng, hiệu quả và năng lực quản trị điều hành của các chi nhánh; định kỳ theo dõi đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh giảm thẩm quyền phán quyết đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng giảm sút; mở rộng tín dụng đối với các khách hàng có hệ số rủi ro tín dụng thấp, khách hàng có tài sản bảo đảm là tiền gửi, giấy tờ có giá, bất động sản có tính thanh khoản tốt.

Rà soát lại quy định hiện hành, sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới quy trình tín dụng theo hướng phân rõ trách nhiệm, quyền hạn từng khâu nghiệp vụ nhằm hạn chế tình trạng mang tính hình thức, sơ sài dẫn đến làm sai quy trình, thủ tục cho vay. Quy trình tín dụng được đề cập ở đây bao gồm cả quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ và phải được xây dựng cụ thể các bước thực hiện; nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi cá nhân, bộ phận. 

Đồng thời, xây dựng và quy định chế tài cụ thể đối với các cá nhân, tập thể gây ra nợ xấu bằng các biện pháp như: giảm quyền phán quyết tín dụng, hạn chế tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh. Tùy vào nguyên nhân và mức độ sai phạm mà cá nhân gây ra, TCTD đưa ra các hình thức xử lý phù hợp như: nhắc nhở, phê bình, hạ bậc xếp loại thi đua, cảnh cáo, điều chuyển, cách chức, bồi thường trách nhiệm vật chất và kể cả xử lý theo các quy định của pháp luật. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ... 

Bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách, chế tài phù hợp, hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ tại các TCTD cần phải được chú trọng. Theo đó, các TCTD cần tăng cường công tác đào tạo một cách hệ thống và chuyên sâu về nghiệp vụ ngân hàng quản lý rủi ro, kỹ năng kiểm tra, kiểm soát, giám sát và kiểm toán nội bộ; bổ sung nguồn nhân lực cũng như kiện toàn mô hình tổ chức, hoàn thiện hệ thống các văn bản chế độ kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ; phân định và thiết lập cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý rủi ro, kiểm tra giám sát tuân thủ, kiểm toán nội bộ để xác định rõ trách nhiệm và cách thức phối hợp thực hiện. 

Cùng với đó, các TCTD cần mở rộng và gia tăng số lượng đơn vị, nghiệp vụ được kiểm tra, kiểm toán nội bộ, xác định kiểm tra, kiểm toán nội bộ theo định hướng rủi ro; đầu tư trang thiết bị phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp, đảm bảo công tác quản lý, phân tích, giám sát cảnh báo sớm.

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng đối với một chương trình cho vay lành mạnh của ngân hàng. Nó không chỉ giúp các nhà quản lý ngân hàng phát hiện ra những khoản cho vay có vấn đề nhanh hơn mà còn giúp xác định được các cán bộ tín dụng có tuân thủ đúng chính sách cho vay của ngân hàng hay không. Mỗi khoản vay cần được kiểm tra, giám sát cẩn thận, nghiêm túc ở cả 3 khâu trước, trong, sau khi cho vay và được đánh giá tất cả các đặc tính quan trọng của mỗi khoản vay như: phương án trả nợ của khách hàng; chất lượng và tình trạng của tài sản thế chấp; khía cạnh pháp lý của hợp đồng tín dụng... Đồng thời, cán bộ tín dụng của ngân hàng cần thường xuyên rà soát, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; đánh giá khả năng trả nợ và có các biện pháp kiểm soát dòng tiền của khách hàng, kịp thời nắm bắt thông tin khách hàng tại các chi nhánh và TCTD khác để đưa ra phán quyết tín dụng cũng như các biện pháp xử lý kịp thời...

Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi kinh tế khó khăn, rủi ro đạo đức trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ngân hàng sẽ ngày càng gia tăng. Có thể thấy, hiện nay, những vi phạm đạo đức kinh doanh trong các TCTD khá phổ biến. Nhiều vụ việc liên quan đến một bộ phận cán bộ tín dụng, lãnh đạo ngân hàng liên kết với khách hàng vay vốn để trục lợi chiếm đoạt tiền và tài sản của ngân hàng. Do đó, để phòng ngừa nợ xấu phát sinh, các TCTD cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức trong hoạt động tín dụng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngân hàng.
 
Theo báo cáo gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.

NGUYỄN XUÂN TOÀN (KTNN chuyên ngành VII)
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 19/7/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201