Thứ Hai, 29/4/2024 - 14:08:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Công bố Dự thảo Luật Thuế tài sản

THỨ BẢY, 14/04/2018 09:20:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Ngày 13/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Dự án Luật Thuế tài sản. Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chủ trì cuộc họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Mai Thu

Theo Dự thảo, Luật Thuế tài sản quy định đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; giá tính thuế, thuế suất; nguyên tắc miễn, giảm thuế; miễn thuế, giảm thuế và đăng ký, khai, nộp thuế.

Luật Thuế tài sản áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng chịu thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất quy định đối tượng chịu thuế đối với đất; nhà và công trình xây dựng trên đất; tàu bay, ô tô và du thuyền giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Điều đáng chú ý tại Dự thảo là đề xuất thu thuế tài sản đối với nhà. Theo đó, có 2 cách để xác định ngưỡng không chịu thuế là: xác định theo giá trị hoặc theo diện tích. Trong đó, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. Tuy nhiên, việc này có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Ví dụ, theo số liệu về nhà ở năm 2011 tại Đề án Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích là 100m2 thì sẽ có khoảng gần 1,9 triệu căn bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ (trong đó có hơn 1,1 triệu căn ở nông thôn) vẫn phải chịu thuế.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để thu thuế tài sản đối với nhà. Cụ thể, có 2 phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Còn về thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia là 0,5%; Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ đề xuất 2 phương án thuế suất thuế tài sản  là 0,3% hoặc 0,4%.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với thuế suất 0,3%, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng thì dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng; nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng thì số thuế này khoảng 23.300. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng thì số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng; nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng thì số thuế này khoảng 31.000 tỷ đồng.

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Phạm Đình Thi cho biết, trong quá trình thảo luận xây dựng dự án Luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính phương án này không đảm bảo công bằng, khó triển khai thực hiện thu thuế và có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản. Do đó, Bộ đề xuất không đánh thuế tài sản đối với nhà thứ 2 trở đi.

Bộ Tài chính đề nghị giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất nhân với giá 1m2 đất tính thuế trong đó, giá 1m2 đất tính thuế là giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Đối với đất sử dụng không đúng mục đích hoặc không đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế gấp 3 lần, đất lấn chiếm sẽ phải nộp thuế gấp đôi đất thông thường.

Tại cuộc họp báo, ông Thi đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về cơ sở để tính giá trị ô tô, cơ sở dữ liệu nhà đất và việc cho nợ thuế đối với người không có khả năng nộp thuế nhà…

Dự thảo được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài chính và gửi văn bản xin ý kiến mọi tổ chức, cá nhân để hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền.

THÙY ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201