Thứ Sáu, 29/3/2024 - 18:59:09 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Dự thảo Luật Thuế tài sản: Cần cụ thể hơn về tên gọi để tránh trường hợp đánh thuế trùng

THỨ HAI, 24/12/2018 08:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Giới chuyên gia cho rằng, nước ta cần ban hành chính sách thuế liên quan đến tài sản, nhưng không nên gọi chung là Luật Thuế tài sản. Thay vào đó, nên có luật quy định riêng cho từng đối tượng đánh thuế, cơ sở đánh thuế, mức thuế cụ thể cũng như cơ chế sử dụng nguồn thu này.

Luật không nên gọi chung là thuế tài sản

Đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã công bố đề xuất về Dự thảo Luật Thuế tài sản. Theo đó, các tài sản như: đất ở, đất sản xuất, đất kinh doanh phi nông nghiệp; nhà ở và công trình thương mại dịch vụ; tàu bay, du thuyền, ô tô... sẽ thuộc diện chịu thuế.

Ngay khi vừa công bố, Dự thảo này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản. Đến nay, Dự án Luật này cũng chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.

Ngày 20/4/2018, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Việc công bố Dự thảo mới là bước giúp Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhân dân và các chuyên gia về Dự thảo Luật này để sau đó trình Chính phủ. 

Mới đây, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam”. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở rà soát các nội dung của Dự thảo Luật Thuế tài sản ở Việt Nam cùng với việc xem xét lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra các gợi ý chính sách cho việc xây dựng Luật Thuế tài sản. 

Tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu này, PGS,TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính - cho rằng: Tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Về lý thuyết, Nhà nước có thể đánh thuế cả hai loại tài sản này. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết quốc gia chỉ đánh thuế bất động sản và không đánh thuế các loại động sản như cổ phần, cổ phiếu vì sẽ không khuyến khích được hoạt động đầu tư. Các động sản khác như: tàu bay, du thuyền, ô tô, tranh đá quý… cũng rất ít nước đánh thuế bởi nó vừa phức tạp về kỹ thuật tính thuế, vừa không hiệu quả về hành thu.

Cũng theo ông Cường, thuế tài sản là khái niệm dễ gây tranh cãi bởi nó mang ý nghĩa rộng và phức tạp. Nếu đánh thuế tài sản, cơ quan quản lý sẽ phải sử dụng nhiều kỹ thuật đánh thuế đối với nhiều loại tài sản khác nhau mà hiệu quả lại không cao. Hiện có 174/193 nước trên thế giới thu thuế tài sản và hầu hết đều gọi tên cụ thể, như: thuế đất đai, thuế bất động sản, thuế nhà ở, thuế của cải ròng, thuế trao tặng, thừa kế... Vì vậy, Việt Nam cũng nên gọi tên các sắc thuế liên quan đến tài sản theo hướng cụ thể như vậy để tránh trường hợp đánh thuế trùng.

Đồng tình với quan điểm này, PGS,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP - cũng cho rằng: Trong quá trình hình thành các động sản như tàu bay, du thuyền,… chủ sở hữu đã chịu nhiều loại thuế, như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ…. Việc tiếp tục đánh thuế tài sản với nhóm này sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế nên sẽ không hợp lý.

PGS,TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đề nghị: Việt Nam không nên gọi chung chung là thuế tài sản mà có thể gọi là thuế nhà đất (đánh vào đất ở và nhà trên đất). Trước khi ban hành sắc thuế mới, điều quan trọng nhất là Nhà nước phải xác định rõ mục đích đánh thuế, đó là thu để làm gì, ai được hưởng và người dân tham gia giám sát việc sử dụng nguồn thu này như thế nào.

Nguồn thu từ thuế liên quan đến tài sản nên để lại cho địa phương

Tại Hội thảo trên, các chuyên gia tài chính cho biết: Thuế liên quan đến tài sản là loại thuế quốc gia và hầu hết các quốc gia đều để lại nguồn thu này cho địa phương sử dụng. Thậm chí ở nhiều nước, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản thường là nguồn thu ngân sách quan trọng của địa phương. Tại Thái Lan, thuế bất động sản chiếm đến 80% tổng thu ngân sách địa phương; tại Ba Lan, tỷ lệ này là 40%, tại Chi Lê là 36%… Nguồn thu này đã giúp địa phương cải thiện vấn đề chi tiêu công.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, đối với nhiều quốc gia, các loại thuế tài sản cấu thành thuế địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, mang lại phúc lợi cho người dân của chính địa phương đó. Đây cũng là cách để tạo động lực cho người dân thực hiện nghĩa vụ đóng góp với ngân sách của địa phương.

Việt Nam chưa ban hành Luật Thuế tài sản nhưng đã có một số thuế liên quan như thuế sử dụng đất nông nghiệp hay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy vậy, mỗi năm, thuế này chỉ đóng góp 0,03 - 0,06% GDP, chiếm từ 5 - 7% tổng số thu ngân sách địa phương, thậm chí ở nhiều tỉnh, khoản thu này chỉ chiếm 2 - 3%.

Theo PGS,TS. Nguyễn Đức Thành, việc ban hành chính sách thuế liên quan đến tài sản ở Việt Nam là cần thiết. Dự tính, số thuế này chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng thu NSNN, do vậy nên để lại cho địa phương. Khi khoản thu đó được để lại, địa phương sẽ có nguồn để tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ công như xây bệnh viện, trường học… tức là người dân ở đó được hưởng lợi từ chính nguồn thu này. 

PGS,TS. Vũ Sỹ Cường cho biết thêm: Khi đánh thuế liên quan đến tài sản, nhiều nước trên thế giới thường dựa trên nguyên tắc người trả tiền sẽ được hưởng lợi từ hạ tầng tại địa phương như: đường giao thông, trường học, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng... Tại nhiều quốc gia, chính phủ chỉ ban hành khung giá tính thuế, còn thuế suất do địa phương điều chỉnh. Ví dụ, người dân thuộc quận Hoàn Kiếm phải chịu mức thuế cao hơn mức thuế ở huyện Ba Vì, Sóc Sơn, hay người dân ở Hà Giang nộp thuế thấp hơn người dân ở Hà Nội… Việt Nam sẽ phải áp dụng thuế liên quan đến tài sản nhưng cần thực hiện theo lộ trình. Hiện nay, việc chi tiêu cho hạ tầng công tại các địa phương rất hạn chế do ngân sách ở đây thường khó khăn. Nếu Nhà nước không dùng khoản thuế liên quan đến tài sản để cho địa phương sử dụng thì khi đường giao thông xuống cấp, đèn chiếu sáng bị cháy, địa phương sẽ không có nguồn để duy tu, thay thế. Nếu vấn đề chi tiêu này được dùng bằng ngân sách được phân bổ từ nơi khác đến thì sẽ làm giảm động lực của các địa phương.

Điều quan trọng nhất được nhiều chuyên gia tài chính nhấn mạnh ở đây là: Các khoản chi NSNN phải luôn đảm bảo tính minh bạch và gắn với trách nhiệm giải trình. Khi những yêu cầu này được đảm bảo thì người dân sẽ đồng thuận cao với việc ban hành các sắc thuế mới.

THÙY ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201