Thứ Năm, 28/3/2024 - 15:11:53 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Vướng từ cơ chế chính sách đến triển khai thực hiện

THỨ HAI, 19/11/2018 09:20:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của giai đoạn 2016-2018 mới đạt 72% kế hoạch. Điều đáng lo ngại là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của năm nay cũng tương tự, khi hết tháng 10, nguồn vốn này mới giải ngân đạt 50,1% kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn thấp, vì sao?

Tại Hội thảo khoa học “Tăng cường công tác thanh toán vốn đầu tư công trong bối cảnh triển khai pháp luật về đầu tư công” do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) - cho biết: Hằng năm, khi xây dựng dự toán NSNN, các cấp, các ngành luôn đặt ra mục tiêu phải đảm bảo giải ngân hết kế hoạch, song tình hình thực hiện thường không như mong đợi. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của giai đoạn 2016-2018 rất thấp, chỉ đạt 72% kế hoạch ngân sách T.Ư đã giao. Cụ thể, năm 2016, kế hoạch vốn là 163.024 tỷ đồng, giải ngân được 145.306 tỷ đồng, đạt 89,1% kế hoạch. Năm 2017, kế hoạch vốn là 174.457 tỷ đồng, giải ngân được 134.493 tỷ đồng, đạt 77,1% kế hoạch. Năm 2018, kế hoạch là 175.965 tỷ đồng, đến ngày 31/10, giải ngân được 88.162 tỷ đồng, đạt 50,1% kế hoạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự ì ạch trong việc giải ngân vốn đầu tư công bắt nguồn từ hai phương diện: cơ chế chính sách và quá trình triển khai trong thực tế. Những vướng mắc về cơ chế chính sách thể hiện tại các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai... Còn những vướng mắc khi triển khai lại chủ yếu nằm ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, mức tạm ứng hợp đồng được giới hạn là không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Tuy nhiên, Nghị định này lại không quy định việc thu hồi tạm ứng ngay từ lần đầu tiên và không quy định mức vốn tạm ứng phải thu hồi từng lần. Do đó, thời gian theo dõi số dư khoản tạm ứng kéo dài, dễ gây rủi ro trong quá trình kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Về những vướng mắc trong quá trình thực hiện, bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN, (Bộ Tài chính) - cho biết: Các cấp thẩm quyền giao dự toán cho cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình và cấp dưới còn chậm. Bên cạnh đó, quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau cũng gây ra cho các Bộ, ngành và địa phương tâm lý để dành việc, gần cuối năm mới đôn đốc thực hiện. Khi không thực hiện hết kế hoạch, việc giải ngân sẽ được chuyển sang năm sau, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. 

Ngoài ra, việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán của nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án để gửi KBNN còn chậm. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng của một số dự án bị kéo dài do phụ thuộc vào ý kiến chấp thuận của nhiều cơ quan, nhiều cấp quản lý chuyên ngành… 

Nhận xét chung về quá trình giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Chí Cường đến từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm: Thực tế, cả 3 khâu của một dự án gồm lập, thẩm định và phê duyệt đều có thể bị chậm. Có dự án mất đến 6 tháng mới lập xong, hơn 6 tháng mới được thẩm định. Các Bộ, ngành và địa phương đều muốn có nhiều dự án, nhiều công trình nhưng nguồn lực NSNN có hạn nên việc phê duyệt dự án không thể nhanh chóng, dễ dàng.

Tiến độ giải ngân có thể thúc đẩy bằng nhiều giải pháp 

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại diện KBNN đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung sửa đổi các vướng mắc về cơ chế chính sách tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn… KBNN cũng kiến nghị cơ quan quản lý ban hành chế tài cho phép KBNN tạm dừng giải ngân đối với các trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. 

Theo đó, với các trường hợp quá 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, nếu chủ đầu tư không làm thủ tục thanh toán tại KBNN thì cơ quan này được phép tạm dừng thanh toán. Với một số dự án gặp khó khăn trong triển khai và không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2018, KBNN đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát khả năng giải ngân của các dự án khác, xây dựng phương án điều chỉnh trong nội bộ nguồn vốn được giao. Trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ để điều chuyển cho những Bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, có cơ chế giám sát kết quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận và từng cán bộ, công chức. 

Từ góc độ địa phương, đại diện Sở Tài chính TP. HCM cho rằng: Kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, TP. HCM chỉ được phép giải ngân kế hoạch vốn ODA hằng năm theo đúng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư giao mà không theo tiến độ thực hiện và cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài. Việc này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Trong bối cảnh NSNN còn khó khăn, nhu cầu của địa phương lớn thì việc thu hút vốn ODA là rất cần thiết. Do đó, đại diện TP. HCM kiến nghị các cơ quan quản lý có chính sách cho phép TP. HCM được giải ngân kế hoạch vốn ODA hằng năm theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Mặt khác, Luật Đầu tư công cần được điều chỉnh theo hướng: UBND tỉnh chỉ trình Bộ ngành cho ý kiến thẩm định đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn sử dụng nguồn vốn ngân sách T.Ư, UBND tỉnh được chủ động và chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trình Hội đồng nhân dân quyết định.
 
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201