Thứ Sáu, 19/4/2024 - 15:39:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Gỡ rối chậm giải ngân vốn đầu tư công

THỨ HAI, 23/09/2019 16:50:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, đến tháng 8/2019 vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn trong khi yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 5/2019.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN 7 tháng đầu năm 2019 cũng rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96% (thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 với các con số tương ứng là 37,64% và vốn nước ngoài đạt 22,63%). Có 35 Bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đạt dưới 40%; trong đó 18 Bộ, cơ quan T.Ư và 1 địa phương dưới 20% kế hoạch được Quốc hội giao. 

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn NSNN 8 tháng năm 2019 vẫn chưa cải thiện khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019. Cụ thể, tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 8 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 7,3%; năm 2016 là 12,7%; năm 2017 là 6,4%; năm 2018 là 10,4%; năm 2019 là 3,8%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 8 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 62,8%; 56,5%; 53,6%; 51,8%; 53,1%. 

Công điện cũng chỉ rõ ngoài một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: giao vốn chậm, dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân, công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, thanh, quyết toán còn chậm, công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Trong đó, các nguyên nhân nổi bật làm cho các địa phương, chủ dự án loay hoay là việc định giá đất bị kéo dài, không cụ thể, ảnh hưởng tới công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, khâu đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, địa phương không sát với khả năng cân đối nguồn vốn, chưa đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước nên phải có văn bản xử lý nhiều lần khiến quy trình giao kế hoạch vốn bị kéo dài. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân. Theo báo cáo của một số Bộ, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định là rất phức tạp qua nhiều cấp, dẫn đến thời gian điều chỉnh bị kéo dài. Đồng thời, công tác điều chỉnh kế hoạch vốn thiếu linh hoạt, xử lý theo đợt (thường phải đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung cả nước), dẫn đến thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn bị chậm. Khi có quyết định điều chỉnh kế hoạch thì gần thời điểm cuối năm nên các dự án không kịp triển khai và phải xin gia hạn dự án, gia hạn thời gian giải ngân, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý. Đến lượt mình, khi dự án được điều chỉnh chậm thường lỡ thời gian triển khai, chậm trễ trong công tác đấu thầu và triển khai các bước tiếp theo của dự án hoặc gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi để triển khai công tác thi công…

Rõ ràng, tất cả những vướng mắc như: định giá đất, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, điều chuyển vốn,... đều đã tồn tại trong nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục và tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công xảy ra đặc biệt trầm trọng trong 3 năm gần đây. Nguyên nhân cơ bản là đề cao tính trách nhiệm và chịu trách nhiệm cá nhân trong mỗi quyết định liên quan tới đầu tư công, thậm chí có thể bị xử lý kỷ luật nặng khi có sai phạm mà sai phạm lại rất dễ xảy ra khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy trình thực hiện hiện hành lại chưa rõ ràng về tính chất, mức độ, phạm vi chịu trách nhiệm, cả cá nhân và tập thể trong các quyết định về đầu tư công. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ được đảm bảo khi và chỉ khi có biện pháp xử lý đúng nguyên nhân cốt tử này.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201