Thứ Bảy, 20/4/2024 - 19:47:20 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

ASEAN và Việt Nam cùng đạt nhiều thành tựu kinh tế nổi bật

THỨ SÁU, 17/08/2018 14:05:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Tháng 8/2018 là dấu mốc tròn 51 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, đồng thời Việt Nam cũng đã trải qua 23 năm chính thức trở thành thành viên của Tổ chức ASEAN.

ASEAN - một cộng đồng kinh tế mạnh

ASEAN với 10 nước thành viên

Sau 51 năm thành lập, ASEAN bao gồm 10 thành viên trong khu vực Đông Nam Á đã trở thành một thị trường lớn thứ 3 châu Á với hơn 650 nghìn dân, chiếm 8,59% tổng dân số thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 4.305 USD. Dự kiến, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới với tổng GDP là 2.766 tỷ USD.

 
Hơn 50 năm qua, tổng thương mại hàng hóa của các nước ASEAN với thế giới đã tăng từ 10 tỷ USD/năm lên mức 2.575 tỷ USD vào năm 2017. Tổng thương mại dịch vụ tăng từ mức 140 tỷ USD năm 1999 lên mức kỷ lục 681 tỷ USD năm 2016. Thương mại hàng hóa của ASEAN năm 2017 tăng 14,2% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 11,6% của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN với tổng giá trị kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 436,8 tỷ USD, chiếm 17,1%.
Đến nay, theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN đã tiến rất gần đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với các nước ASEAN-6 (5 nước sáng lập và Brunei), 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã được xóa bỏ tính tới năm 2017. Dự kiến, tới hết năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%.

Ngoài tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các DN như: dự án thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; cơ chế hải quan một cửa; các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện - điện tử, cao su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế… Trong đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thực thi MRA về điện và điện tử, về kiểm tra thông lệ sản xuất thuốc tốt; đã ký MRA về nghiên cứu tương đương sinh học, về hệ thống giám định và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến nhằm tạo nên một khu vực sản xuất thống nhất trong ASEAN.

Đặc biệt, tự do hóa thương mại dịch vụ là một trong những ưu tiên quan trọng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện nay, các nước ASEAN đang đặt mục tiêu sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 10 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ trong năm 2018.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN xác định ưu tiên hàng đầu là tự do hóa thương mại, dịch vụ

Trước bối cảnh các khu vực cũng như các nước ASEAN ngày càng phải chịu sức cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước đang phát triển khác trên thế giới cũng như trong khu vực, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 của ASEAN (năm 1995) đã quyết định thành lập Khu vực đầu tư ASEAN, nhằm tăng cường thu hút vốn và khả năng cạnh tranh để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ASEAN, nơi có nguồn lao động trẻ, rẻ và dồi dào. Sau nhiều nỗ lực thực thi năm 2017, các nước ASEAN đã hoàn tất việc ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN và tiến tới sớm hoàn thành ký kết Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp định này để tăng cường luồng đầu tư trong khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.

 
ASEAN đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, với dòng vốn FDI năm 2017 đạt 137 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 22 tỷ USD năm 2000 và 1/3 tỷ USD năm 1967. Đầu tư nội khối ASEAN cũng tăng từ mức 5,6% lên 24,7% năm 2016. Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ thu hút FDI lớn nhất vào ASEAN, tăng từ 50,8% năm 1999 lên 80,8% năm 2016, tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp.
Tăng cường hợp tác ngoại khối cũng là một ưu tiên quan trọng của ASEAN. Cho tới nay, ASEAN đã ký kết và thực hiện 6 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 1 FTA nội khối ASEAN (AFTA) và 5 FTA với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Cuối năm 2017, các nước ASEAN cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc và Hiệp định đầu tư ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc. Ngoài ra, các nước thành viên ASEAN đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand nhằm đạt được một hiệp định FTA toàn diện với mức độ cam kết cao hơn hiện tại.

Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao lần thứ 51 tại Singapore


Việt Nam gặt hái thành công trong ASEAN


 
Năm 2018, Singapore là nước Chủ tịch ASEAN đã đề ra 10 ưu tiên trong hợp tác ASEAN gồm: Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử và hội nhập số; Thành lập mạng lưới sáng tạo ASEAN; Đưa vào vận hành cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn ASEAN và cơ chế một cửa ASEAN; Ký kết Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN; Tăng cường hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN; Tuyên bố ASEAN về du lịch hành trình trên biển; Tăng cường hợp tác và thương mại về khí tự nhiên hoá lỏng trong ASEAN; Ký Biên bản ghi nhớ với cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế; Xây dựng Quy tắc ứng xử về xây dựng xanh của ASEAN; Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.
So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1996 cho đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần, từ 5,91 tỷ USD năm 1996 lên 45,23 tỷ USD tại thời điểm tháng 11/2017. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng gần 12,4 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên 19,9 tỷ USD. Tính tới hết tháng 6/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN là 28,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 15,9 tỷ USD.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra của ASEAN trong năm 2018 và cũng nhằm chuẩn bị cho năm 2020 khi Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác triển khai Kế hoạch Hành động Chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025; thống nhất các nội dung còn vướng mắc trên cơ sở đảm bảo Hiệp định RCEP mang lại kết quả cân bằng về lợi ích, có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của tất cả các nước và đề nghị các nước đối tác của ASEAN điều chỉnh tham vọng xuống mức khả thi cho tất cả các bên nhằm kết thúc đàm phán hiệp định này trong năm 2018; phối hợp với các nước ASEAN tiếp tục rà soát, thực thi cam kết trong các FTA.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, mức độ tận dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi trong xuất khẩu của các DN Việt Nam đối với FTA của ASEAN và của ASEAN với nước đối tác đạt mức độ trung bình với Trung Quốc (23%), Nhật Bản (29%), mức độ khá với Australia và New Zealand (30%), ASEAN (33%), Hàn Quốc (33%) và ở mức độ tốt với Ấn Độ (44%). Về phía DN tại Việt Nam, các DN FDI và các tập đoàn lớn có xu hướng vận dụng ưu đãi tốt hơn DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa. Xét từ góc độ ngành, các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá, quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 và đảm bảo hội nhập một cách chủ động, tích cực và phù hợp với lợi ích của cộng đồng DN trong quá trình cạnh tranh khu vực và quốc tế, khai thác tốt hơn các ưu đãi của các FTA trong khuôn khổ ASEAN, các DN Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA.

Cùng với đó, các Bộ, ngành cần nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phối hợp trong hội nhập kinh tế ASEAN; cải tiến cơ chế tham gia các cuộc họp cấp kỹ thuật trong ASEAN để tiết kiệm nguồn lực và ngân sách, cũng như xác định chủ trương về vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt trong đàm phán các FTA trong giai đoạn từ năm 2018 trở đi.
 
Tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN là 98%. Như vậy, trong số 10 FTA mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (cá biệt một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm).

PHÚC KHANG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201