Thứ Tư, 24/4/2024 - 17:34:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Từ CPTTP tới EVFTA: Cơ hội cho nông sản Việt vươn ra thế giới

THỨ NĂM, 17/10/2019 09:10:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế từ các hiệp định, ngành nông nghiệp cần tháo gỡ nhiều rào cản cho nông dân và DN.

Cơ hội đi cùng thách thức

Trong 2 năm (2018 và 2019), Việt Nam đã tham gia 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho nông sản của Việt Nam tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người. 

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Đây là cơ hội tiềm năng để các DN Việt tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam. Còn EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. 

Dù có nhiều cơ hội lớn đối với nông sản Việt nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thách thức để chinh phục các thị trường trên thế giới cũng không nhỏ. Cụ thể, đối với hàng nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường thuộc 2 khối CPTPP và EVFTA, rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật; rào cản về trình độ quản trị, trình độ công nghệ ứng dụng trong sản phẩm nông sản vốn đang là những “điểm nghẽn” khiến nông sản Việt chưa thể thâm nhập vào các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản...

Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ tư với chủ đề: “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”, ông Nguyễn Văn Công - nông dân xuất sắc tỉnh Nam Định - chia sẻ, hiện gia đình ông đang có trang trại gà đẻ lớn nhất Nam Định rộng 4 ha, nuôi 40.000 con gà, mỗi ngày cho thu 35.000 quả trứng, tổng doanh thu 24 tỷ đồng/năm. “Bên cạnh các lợi thế, chúng ta cũng gặp nhiều bất lợi khi có nhiều mặt hàng, sản phẩm chăn nuôi của các nước xuất khẩu vào nước ta sẽ có mức thuế suất bằng 0%, đặc biệt là đối với các sản phẩm trứng, sữa. Để bảo vệ sản xuất trong nước và vẫn thực hiện đúng các cam kết đã ký kết, chúng ta sẽ có các hàng rào kỹ thuật như thế nào, Nhà nước sẽ hỗ trợ chúng tôi như thế nào để giá thành sản xuất ở mức thấp, cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu?” - ông Công nêu câu hỏi.

Chung quan điểm, một số hộ nông dân cũng cho rằng, cái khó nhất hiện nay là họ không biết phải làm những gì, thực hiện việc sản xuất theo quy trình ra sao để có thể vượt được các rào cản phi thuế quan khi “bước chân ra thế giới”, đặc biệt là các thị trường thuộc CPTPP và EVFTA.

Cần đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc lên hàng đầu

Trước những băn khoăn trên, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, mặc dù lợi thế khi tham gia CPTPP hay EVFTA là nhiều dòng thuế được đưa về 0% song đổi lại, các thị trường nhập khẩu lại dựng lên những rào cản phi thuế quan vô cùng khắt khe, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm nông sản như cá tra, cá ba sa hay các mặt hàng nông sản khác, ngoài hàng rào thuế quan thì bên trong còn có muôn vàn rào cản khác. Do đó, các nhà sản xuất, DN cần phải chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh đáp ứng được các tiêu chí, quy chuẩn như: thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGap), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (Global)… mới có thể vượt qua được các rào cản phi thuế quan dựng lên từ phía nhà nhập khẩu.

Chia sẻ thêm về những hàng rào phi thuế quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân nhấn mạnh, muốn xuất khẩu được hàng hóa khi tham gia các FTA thế hệ mới, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi nhất định phải đăng ký cấp mã số, phải sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa và vấn đề về truy xuất nguồn gốc được đặt lên hàng đầu. Cần phải chăn nuôi, trồng trọt theo đúng quy chuẩn quốc tế, tất cả các sản phẩm phải có kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, phải đảm bảo sản xuất sạch, không chứa chất bảo quản, hóa chất.

Đồng quan điểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển góp ý, trong xuất khẩu nông sản, quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc. Nếu chúng ta hướng dẫn để nông dân có thể đưa ứng dụng công nghệ Blockchain (chuỗi khối) vào sản xuất thì những lo ngại sẽ được giải tỏa rất dễ dàng. “Muốn ra thế giới, chắc chắn các sản phẩm nông sản Việt phải chứng minh được nguồn gốc. Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, việc áp dụng những công nghệ hiện đại trong sản xuất và Blockchain để truy xuất nguồn gốc chính là giải pháp hữu hiệu”  - ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 42 ra ngày 17-10-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201