Thứ Bảy, 20/4/2024 - 04:39:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nông sản Việt “lao đao” vì ảnh hưởng của virus Corona

THỨ HAI, 10/02/2020 10:25:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) bùng phát những ngày gần đây đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, tình hình thương mại nông - lâm - thủy sản của Việt Nam với các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.


Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tắc nghẽn

Dịch nCoV đang diễn biến phức tạp. Ngoài đe dọa đến tính mạng con người, dịch còn đang làm tổn thương nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong đó, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ tổn thương rất nặng nề. Bởi, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc. Trong đó, có nhiều nhóm nông sản như thanh long, dưa hấu có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn. Theo thống kê, hiện nay, trái thanh long được xuất sang tới 15 thị trường, trong đó có cả châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, tổng sản lượng xuất sang 2 khu vực này chưa bằng 10% xuất vào Trung Quốc. Một phần do tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật các thị trường này rất nghiêm ngặt, mặt khác chi phí rất cao nên các DN xuất đi với sản lượng rất thấp.

Thông tin về tình hình thiệt hại của nông sản Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, do dịch bùng phát mạnh, giao thông bị hạn chế tại các chợ biên giới thuộc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) đã khiến 173 xe thanh long (loại xe 20 tấn/xe) hiện bị ùn ứ cục bộ tại Lạng Sơn. Các xe hàng hiện được các bến bãi tại Lạng Sơn hỗ trợ về chi phí dừng đỗ và điều kiện sinh hoạt, trong quá trình chờ được thông quan. Đáng lo ngại, dự kiến, số lượng nông sản có thể bị ùn ứ sẽ còn lớn hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết, đến ngày 08/02, địa phương sẽ thu hoạch thêm 21.600 tấn thanh long; từ ngày 08 đến 24/02, tiếp tục thu hoạch thêm 54.000 tấn. Ngoài ra, các tỉnh Tiền Giang và Bình Thuận cũng sẽ thu hoạch khoảng 110.000 tấn. 

Bên cạnh trái cây, các mặt hàng khác của ngành chăn nuôi, thuỷ sản, lâm sản… cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sữa từ tháng 10/2019, nhưng đến đầu năm 2020, Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được sang thị trường này do dịch bệnh. Tương tự, đối với mặt hàng thuỷ sản, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng việc nhập khẩu đến hết ngày 09/02. Thậm chí, việc tạm dừng này còn có thể kéo dài cho tới khi Chính phủ hai nước thông tin bình thường hóa các hoạt động giao thương. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh.

Chủ động tìm kiếm thị trường mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp và sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành kinh tế. Trong đó, xuất - nhập khẩu nông sản phải chịu tác động trong ngắn hạn và trung hạn, dự kiến sẽ kéo dài từ 6 - 8 tháng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các thương vụ giúp tìm đầu ra mới, yêu cầu các DN logistics tham gia bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu, theo dõi sát tiến độ xuất khẩu đến khi các cửa khẩu chính thức hoạt động trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống. Ông Khánh cũng khuyến nghị bà con nông dân điều chỉnh tiến độ sản xuất vì diễn biến dịch còn khó lường. Hơn nữa, cần đẩy mạnh tăng cường tiêu thụ nội địa; hướng dẫn động viên chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện, khuyến nghị người bán gắn nhãn, bao bì, truy xuất nguồn gốc tạo điều kiện xuất khẩu theo chính ngạch. Với những lô hàng không đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch, ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới mở cửa trở lại.

Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, DN khi xuất qua cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, tỉnh đã đàm phán với phía Trung Quốc sớm cho thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu chưa phát hiện dịch bệnh nhằm giải tỏa ùn ứ nông sản cho nông dân, DN. Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo chủ các bến bãi giảm chi phí lưu bãi, hỗ trợ ăn ở miễn phí cho các chủ xe hàng. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các DN không nên đưa hàng lên cửa khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương, đơn vị tổng rà soát tình hình sản xuất các nông sản, đặc biệt là các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới để đưa ra các kịch bản ứng phó với diễn biến của từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, DN, siêu thị… tăng cường thương mại ở trong nước. Mặt khác, DN cũng cần tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, Bộ đang chủ động phối hợp với Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới để xúc tiến thương mại cho nông sản xuất khẩu. Dự kiến, trong năm 2020, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác sang xúc tiến xuất khẩu tại: Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Hoa Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Nga, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Indonesia, Myanmar và các quốc gia châu Âu.

HÒA LÊ

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201