Thứ Ba, 30/4/2024 - 23:11:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bàn giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu

THỨ HAI, 20/08/2018 09:20:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Những năm gần đây, ngành chế biến gỗ và lâm sản được đánh giá là ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, để xâm nhập thị trường gỗ quốc tế, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là phải xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững và hợp pháp.

Tiềm năng đi cùng thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010-2017, đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

Mặc dù dư địa để phát triển còn nhiều nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nổi bật là việc lâm sản khai thác từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo đó, nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác gỗ non.
 
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM Huỳnh Văn Hạnh nhìn nhận, trong chuỗi giá trị sản phẩm bao gồm: sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu, ngành gỗ mới đạt giá trị ở mức trung bình. Phần lớn nhà sản xuất thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân nên ít chú trọng đến giá trị thương mại, từ đó thụ động và ít phát triển marketing, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm. Hiện nay, dù ngành chế biến gỗ và lâm sản có nhiều nhà sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm DN nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế. 

Xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững và hợp pháp 

Tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ An Cường Lê Đức Nghĩa chia sẻ, để tạo ra giá trị lớn cho ngành gỗ Việt, cần phải có tư duy hệ thống. Tính hệ thống trong ngành gỗ rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Do đó, nếu các công ty gỗ liên kết được với nhau sẽ tạo ra giá trị chất lượng cao của ngành gỗ trước bối cảnh hội nhập, cạnh tranh. 

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài, cần tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ cả đầu vào lẫn đầu ra, tăng năng suất lao động ngành gỗ, đặc biệt cần hạn chế tối đa xuất khẩu dăm gỗ. Bởi, xuất khẩu dăm gỗ tốn rất nhiều gỗ nguyên liệu nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp. Chẳng hạn, năm 2017, chế biến dăm gỗ đã dùng tới gần 11 triệu m3 gỗ quy tròn, chiếm 30% lượng gỗ nguyên liệu dành cho xuất khẩu nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 1 tỷ USD.

Là DN chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Scansia Pacific (Đồng Nai) Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, hơn bao giờ hết, một giải pháp xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững và hợp pháp, theo liên kết chuỗi cho ngành chế biến gỗ Việt Nam phải được triển khai mạnh mẽ. Đây là điều cần thiết đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong xuất - nhập khẩu gỗ và cũng là biện pháp nâng cao ý thức về sử dụng đồ gỗ có xuất xứ cho người dân, ý thức bảo vệ môi trường.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, ngành gỗ Việt Nam cần kiên trì, kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp, vì thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là các nước phát triển, nơi người tiêu dùng rất quan tâm tới bảo vệ môi trường. Bộ sẽ phối hợp với Chính phủ để thực thi các giải pháp truy xuất nguồn gốc gỗ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngành chế biến gỗ cần tuân thủ quy tắc xuất xứ để đảm bảo rằng gỗ xuất khẩu hoàn toàn là sản phẩm thực sự của Việt Nam.

Từ tiềm lực hiện có và nhu cầu thị trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ và lâm sản trong năm 2018 phải đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 10 - 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 - 13 tỷ USD; năm 2025 là 18 - 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, DN phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017; rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển.

Bên cạnh đó, các DN cần tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra. Đồng thời, DN cũng cần xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt và doanh nhân ngành gỗ Việt Nam. Bởi lẽ, đây là yếu tố cần và đủ để đạt được các mục tiêu đề ra cũng như nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Sau Hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản có điều kiện phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201