Thứ Năm, 25/4/2024 - 15:51:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Malaysia: Lên án tình trạng thất thoát ngân sách công, tài sản công

THỨ SÁU, 04/09/2020 09:05:00 | KIỂM TOÁN QUỐC TẾ
(BKTO) - Cuối tháng 8 vừa qua, tại trụ sở Cơ quan Kiểm toán quốc gia TP. Putrajaya, Tổng Kiểm toán Malaysia Datuk Nik Azman Nik Abdul Majid đã công bố Báo cáo kiểm toán thường niên 2019, trong đó nhấn mạnh tình trạng thất thoát ngân sách công và việc nhiều cơ quan cố tình trì hoãn nộp báo cáo tài chính.


Bộ Giáo dục Malaysia bị chỉ trích để xảy ra nhiều sai phạm. Ảnh: theasiadialogue

Buông lỏng quản lý tài chính công

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Putrajaya, Tổng Kiểm toán đã trình bày Báo cáo và lên án Ban Lãnh đạo hai Bộ gồm Bộ Giáo dục (MOE) và Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng (WFCDM) đã tắc trách, lỏng lẻo trong công tác quản trị khiến nhiều tài sản công bị thất thoát, biển thủ, hàng loạt số tiền lớn “không cánh mà bay”. Theo đó, hai Bộ này và các đơn vị trực thuộc đã cố tình không nộp hoặc nộp chậm các báo cáo tài chính trong nhiều năm qua để tìm cách che giấu những con số thất thoát ngân sách công, không kịp thời báo cáo về tình hình tài chính hiện tại để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục kịp thời. 

Báo cáo của Tổng Kiểm toán chỉ ra rằng, MOE và các đơn vị trực thuộc tại các địa phương đã tìm nhiều lý do, cố tình trì hoãn việc nộp các báo cáo tài chính cuối năm trong một thời gian dài. Vừa qua, Bộ này mới nộp một báo cáo tài chính tổng hợp cho thấy, tài sản công của Bộ đã thất thoát tới gần 429.000 Ringit Malaysia (RM), tương đương 103.000 USD, từ năm 2007 đến năm 2019. Tính đến thời điểm được nộp, Báo cáo này đã bị nộp muộn tới 4.087 ngày so với quy định.

MOE có các sở, đơn vị trực thuộc ở tất cả 14 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Malaysia. Tất cả các cơ quan này đều bị lên án đã không tuân thủ quy định nộp báo cáo tài chính đúng hạn. Giải trình về việc nộp muộn báo cáo tài chính tổng hợp trên, đại diện MOE cho biết, lý do là các sở giáo dục địa phương nộp báo cáo muộn khiến MOE chưa thể tổng hợp các báo cáo đúng hạn. Điển hình, Sở Giáo dục tiểu bang Melaka bị chỉ trích đã trì hoãn thời gian nộp báo cáo lâu nhất, mất tới 4.087 ngày, Sở Giáo dục Thủ đô Kuala Lumpur nộp chậm lên đến 4.015 ngày, Sở Giáo dục tiểu bang Johor trì hoãn 2.529 ngày.

Văn phòng Tổng Kiểm toán cho biết thêm, các báo cáo sơ bộ giải trình về 13 vụ thất thoát ngân sách công tại các đơn vị trực thuộc MOE với tổng số tiền lên tới 670.000 RM cũng bị lập muộn, lâu nhất lên tới 1.922 ngày. 

Một vụ việc gây thất thoát, thất lạc tài sản công khác trị giá 1,28 triệu RM cũng bị phát hiện. Tuy nhiên, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng trì hoãn việc nộp các báo cáo về sự việc trên, báo cáo được nộp sớm nhất cũng chậm 14 ngày, báo cáo nộp muộn nhất chậm đến 1.791 ngày. Trong khi đó, Chính phủ đã có quy định rằng, các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm phải gửi báo cáo giải trình trong vòng hai ngày cho các cơ quan chức năng.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan

Giải trình về những sai phạm được chỉ ra trong Báo cáo của Tổng Kiểm toán, đại diện MOE cho biết, việc nộp các báo cáo chậm trễ là không thể tránh khỏi vì Bộ phải xem xét rất nhiều báo cáo ở các cấp dưới gửi lên trước khi tổng hợp thành báo cáo cuối cùng. Tuy nhiên, theo Tổng Kiểm toán, lý do này chưa chính đáng vì MOE hoàn toàn có thẩm quyền và phải có những biện pháp cứng rắn yêu cầu các địa phương tuân thủ quy định.

Bên cạnh MOE, WFCDM cũng bị chỉ trích vì để xảy ra nhiều trường hợp thất thoát ngân sách và cũng không báo cáo kịp thời. Tổng Kiểm toán đã liệt kê ba bản tóm tắt về những phát hiện kiểm toán đối với Bộ này, điển hình là tình trạng nộp các báo cáo về 7 vụ thất thoát ngân sách công lên tới 197.000 RM, chậm từ 5 - 853 ngày. 

Trong một trường hợp khác, WFCDM cũng nộp các báo cáo sơ bộ cho 4 vụ thất thoát ngân sách công lên tới 406.000 RM, chậm từ 38 - 1.484 ngày. Ngoài ra, Bộ này cũng nộp các báo cáo chính thức giải trình về 8 vụ thất thoát tiền công với số tiền 544.000 RM, chậm từ 18 - 277 ngày lên Bộ Tài chính.

Tổng Kiểm toán cho rằng, những phát hiện trong Báo cáo trên phản ánh tình trạng đặc biệt nghiêm trọng đang tồn đọng tại nhiều cơ quan nhà nước trong những năm qua; các quy định của Chính phủ đã bị vi phạm nghiêm trọng, điển hình tại hai Bộ trên.

THANH XUYÊN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

(BKTO) - Bộ Nội vụ, Nhập cư, An toàn và An ninh (MHISS) Namibia vừa qua đã phải thực hiện công tác thu hồi hơn 2,3 triệu đô-la Namibia (khoảng 130 nghìn USD) do nhiều khoản chi bị thanh toán trùng lặp cho các nhà cung cấp dịch vụ cho Chính phủ nước này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201