Thứ Năm, 25/4/2024 - 12:09:13 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm toán Nhà nước Myanmar: Nỗ lực kiểm toán vì sự phát triển bền vững

THỨ HAI, 24/12/2018 08:25:00 | KIỂM TOÁN QUỐC TẾ
(BKTO) - Hiện nay, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đang đảm đương một vị trí quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc (LHQ), đặc biệt là góp phần vào công tác giám sát và khung trách nhiệm giải trình trong thực hiện SDG, đồng thời chỉ ra các thiếu sót của Chính phủ, đề xuất các biện pháp phòng tránh những sai sót đã gặp phải. Mỗi nhà nước đều có một kế hoạch phát triển bền vững (SDP) khác nhau và các tổ chức liên quan đều nỗ lực hoàn thành trách nhiệm góp phần vào việc thực hiện kế hoạch. KTNN Myanmar là một trong những SAI tiêu biểu cho những nỗ lực thực hiện SDP thông qua công tác kiểm toán và triển khai các nhiệm vụ được quy định trong Luật KTNN Liên bang.

Vai trò, trách nhiệm của SAI trong phát triển bền vững 

Phát triển bền vững hiện nay là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội, bảo vệ môi trường và đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với toàn thế giới. Cho tới nay, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung và các mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.

Nhận thức rõ được vai trò trọng yếu của các SAI trong việc củng cố hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của hành chính công, từ đó góp phần vào việc hoàn thành các SDG, Đại hội đồng LHQ đã khẳng định, SAI có thể góp phần củng cố xây dựng phát triển bền vững thông qua việc củng cố nhà nước pháp quyền, sự hiệu quả và độ minh bạch giám sát, đồng thời ủng hộ việc triển khai các SDG. Mọi chương trình, chiến lược, chính sách hay kế hoạch hoạt động, như: công tác bảo tồn thiên nhiên, quỹ hỗ trợ phát triển hay chính sách tài chính, đều có thể được đánh giá từ góc nhìn phát triển bền vững. Dưới góc độ SAI, quá trình đánh giá này có thể diễn ra dưới hình thức kiểm toán độc lập hoặc là một phần của quá trình kiểm toán rộng hơn.

Các SAI có trách nhiệm đánh giá chiến lược phát triển bền vững của một nhà nước được tích hợp trong các chiến lược và các hoạt động chung của chính phủ. Nếu như chính phủ đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo hoàn thành các SDG thì các SAI cũng đang khẳng định vai trò then chốt ngày càng cao trong việc củng cố một bộ máy hành chính công hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đây là yếu tố then chốt để triển khai các SDG.

Kế hoạch phát triển bền vững của Myanmar

Tháng 8/2018, Chính phủ Myanmar đã ban hành Kế hoạch phát triển bền vững của Myanmar (MSDP) giai đoạn 2018-2030. Theo đó, MSDP được cấu thành xoay quanh 3 trụ cột, 5 mục tiêu, 28 chiến lược và 238 kế hoạch hành động. Tất cả các trụ cột, mục tiêu, chiến lược và kế hoạch hành động đều được liên kết chặt chẽ với các SDG, Chính sách Kinh tế 12 mục của Cộng hòa Liên bang Myanmar và nhiều cam kết khu vực mà Myanmar đã chấp thuận với vai trò là một phần của Khung Chiến lược lớn hơn của tiểu vùng Mekong, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và nhiều tổ chức khác. Với mỗi mục tiêu, các chiến lược đều được xây dựng rõ ràng và với mỗi chiến lược, các kế hoạch hành động cũng đã được xác định. Các trụ cột, mục tiêu, chiến lược và kế hoạch hành động kết hợp cùng nhau để hình thành nên Ma trận triển khai MSDP. Các kế hoạch hành động đều mang tính đa chiều và đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan để có thể triển khai thành công. 

SAI Myanmar chủ yếu kiểm toán hoạt động các cơ quan của Chính phủ, các chứng từ, tài khoản thanh quyết toán trong dự toán ngân sách của Chính phủ Liên bang. Hiện nay, công tác kiểm toán hoạt động của KTNN Myanmar đang trong giai đoạn khởi động và trong quá trình tiến hành kiểm toán, các kiểm toán viên nhà nước có thể đồng thời kiểm chứng xem các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ đã triển khai kế hoạch hành động chưa và triển khai đến mức độ nào? Bên cạnh đó, qua kiểm toán sẽ biết được các SDG đã đáp ứng một cách thỏa đáng hay chưa và hoạt động của các đơn vị có phù hợp với Chính sách Kinh tế Liên bang không?

Để tăng cường năng lực kiểm toán viên nhà nước trong khía cạnh này, từ ngày 12/7 - 05/9/2017, một nhóm cán bộ kiểm toán của KTNN Myanmar đã tham dự Khóa đào tạo trực tuyến với chủ đề “Kiểm toán hoạt động về mức độ sẵn sàng triển khai các mục tiêu phát triển bền vững” (Chương trình 2030) do Cơ quan Sáng kiến Phát triển của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI) tổ chức. Tại Khóa đào tạo này, các kiểm toán viên đã được trang bị những kiến thức xoay quanh sự sẵn sàng trong triển khai Chương trình 2030 và các SDG, cách thức Chương trình 2030 và các SDG được áp dụng trong bối cảnh quốc gia, nghiên cứu các công cụ kiểm toán, phạm vi kiểm toán, mục tiêu kiểm toán và phương pháp luận kiểm toán cần thiết.

NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

(BKTO) - Bộ Nội vụ, Nhập cư, An toàn và An ninh (MHISS) Namibia vừa qua đã phải thực hiện công tác thu hồi hơn 2,3 triệu đô-la Namibia (khoảng 130 nghìn USD) do nhiều khoản chi bị thanh toán trùng lặp cho các nhà cung cấp dịch vụ cho Chính phủ nước này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201