Thứ Bảy, 20/4/2024 - 20:27:20 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Các giải bóng hàng đầu thế giới thiệt hại lớn do Covid-19

THỨ HAI, 06/04/2020 09:05:00 | KIỂM TOÁN QUỐC TẾ
(BKTO) - Sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã gây ra khủng hoảng nặng nề về doanh thu cho làng thể thao thế giới, đặc biệt là các giải thi đấu lớn ở châu Âu và Thế vận hội Olympic Nhật Bản 2020. Con số tổn thất ước tính lên tới hàng chục tỷ USD.


Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 lùi sang năm 2021. Ảnh: internet

Theo báo cáo mới nhất của Hãng kiểm toán độc lập KPMG, 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu bao gồm: Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức), Serie A (Italia) và Ligue 1 (Pháp) sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất khi bị đình trệ bởi sự lây lan chết người của dịch Covid-19. Tổn thất về doanh thu của các giải thi đấu này, bao gồm bản quyền truyền hình và dịch vụ thương mại, vào khoảng 3,45 - 4 tỷ Euro.  

Theo tính toán của KPMG, tại Anh, giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù Premier League sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, khoảng 1,25 tỷ Euro, nếu như họ không thể tổ chức các trận đấu còn lại của mùa giải này; tiếp đến là La Liga ở Tây Ban Nha với 600 triệu Euro; Serie A với 450 triệu Euro; Bundesliga và Ligue 1 lần lượt là 400 triệu Euro và 200 triệu Euro.

Các câu lạc bộ (CLB) trong 5 giải hàng đầu châu Âu thường được mệnh danh là “Big Five” này đều phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu bản quyền truyền hình và phát sóng để lấp đầy ngân sách. Báo cáo của KPMG cho biết, các đài truyền hình có thỏa thuận với các giải đấu có thể tuyên bố rằng họ muốn lấy lại tiền theo tỷ lệ nếu các trận đấu bị hủy và mùa giải chưa kết thúc. 

Trước tình hình này, tại Pháp, một số đội bóng, bao gồm Marseille và Lyon, đã đưa các cầu thủ của họ vào tình trạng thất nghiệp một phần để tiết kiệm chi phí; La Liga cũng đang xem xét giảm 20% tiền lương của cầu thủ nếu mùa giải chưa kết thúc. Ở Anh và Italia, một số CLB cũng đang yêu cầu cầu thủ chấp nhận trả lương chậm.  

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản cũng vừa phải đưa ra một quyết định khó khăn về việc lùi thời hạn tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sang năm sau. Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tuyên bố hoãn Olympic Tokyo 2020 sang năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu và sự kiện này sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi là “Olympic Tokyo 2020”. Việc hoãn sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, Nhật Bản sẽ tổn thất khoảng 3.200 tỷ Yên (khoảng 28,7 tỷ USD) trong năm nay. 

Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản (BOA), số tiền chi tiêu thực tế cho công tác chuẩn bị cho hai sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã lên tới 3.000 tỷ Yên (khoảng 27 tỷ USD). Ngoài những thiệt hại về kinh tế, quốc gia này còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phát sinh như: xử lý các hợp đồng tài trợ, hợp đồng bản quyền truyền hình, hoàn tiền bán vé…

Được biết, ngày 26/3/2020, Nhật Bản đã phải thành lập một lực lượng đặc biệt gồm 30 thành viên để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc hoãn tổ chức hai sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Ông Toshiro Muto - Giám đốc điều hành Ủy ban Tổ chức Olympic Nhật Bản - cho biết, nhóm chuyên trách này đang đứng trước những nhiệm vụ khó khăn khi phải làm lại các công việc đã chuẩn bị trong 6 năm qua trong khi các nhà tổ chức đang đối mặt với thử thách về thời gian. Theo ông Muto, quyết định lùi thời điểm tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 là rất khó khăn nhưng là hành động đúng đắn và cần thiết tại thời điểm này.

Việc hoãn các giải đấu hàng đầu thế giới diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở các quốc gia trên thế giới đang hết sức phức tạp, đặc biệt là ở Italia, Pháp với số ca tử vong đang không ngừng tăng. Để tránh sự sụp đổ của các giải bóng đá do dịch Covid-19, chính quyền các quốc gia đang xem xét nhiều biện pháp để giải cứu. 

Bên cạnh đó, nhiều vận động viên và CLB đã có những chia sẻ, quyên góp, kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân nhằm hỗ trợ cho cộng đồng. Điển hình như, các tuyển thủ quốc gia Đức đã quyên góp 2,7 triệu USD để giúp các đội bóng chống lại cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong khi đó, một số CLB tại Anh như CLB Liverpool đã đóng góp 40.000 Bảng để hỗ trợ cho các cửa hàng thực phẩm; hay CLB Chelsea của ông Roman Abramovich đã lấy khách sạn tại Stamford Bridge làm chỗ ở miễn phí cho các nhân viên y tế - những người phải làm việc cật lực trong thời điểm này; một số CLB khác như: Aston Villa, Brighton thì tổ chức quyên góp thực phẩm cho các tổ chức từ thiện dành cho người vô gia cư chống chọi với dịch bệnh.

NGỌC QUỲNH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

(BKTO) - Bộ Nội vụ, Nhập cư, An toàn và An ninh (MHISS) Namibia vừa qua đã phải thực hiện công tác thu hồi hơn 2,3 triệu đô-la Namibia (khoảng 130 nghìn USD) do nhiều khoản chi bị thanh toán trùng lặp cho các nhà cung cấp dịch vụ cho Chính phủ nước này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201