(BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh với những kết quả tích cực sẽ góp phần thúc đẩy chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực.
|
Việt Nam đặt mục tiêu hướng tới là tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ảnh: baochinhphu.vn
|
Từ kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia 2014-2020 về tăng trưởng xanh, bên cạnh việc ghi nhận những chuyển biến tích cực, Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm cho giai đoạn thực hiện tiếp theo.
Một số hành động không hoàn thành theo kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, ở cấp quốc gia, trong 66 nhiệm vụ hành động có 2 hoạt động đã hoàn thành gồm Tổ chức thực hiện thí điểm một số mô hình thực hiện tăng trưởng xanh và Triển khai rộng rãi phong trào “Doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững”. Trong đó, một hoạt động do Bộ KH&ĐT chủ trì và một hoạt động do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì. Hai hoạt động này dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.
Trong khi đó, có 60 hoạt động hoàn thành một phần và sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Các hoạt động này chủ yếu thuộc về nội dung: xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, có 3 nội dung hoạt động chưa thực hiện gồm đánh giá “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2050”, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng quốc gia 2014-2020 (Hoạt động 9) và Ban hành Luật Tái chế, triển khai thực hiện một số mô hình tăng trưởng xanh ở các vùng biên giới, ven biển và hải đảo. Trong đó, hai nội dung của Hoạt động 9 sẽ không thực hiện nữa do Bộ Công Thương đang lập Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 có bao gồm các nội dung này.
Như vậy, nhìn chung, đa số các hoạt động của Kế hoạch đều đã được triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kết quả nổi bật là khung pháp luật và hệ thống chính sách đã được hình thành và từng bước được hoàn thiện. Đồng thời, nhóm hành động giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch, tái tạo được triển khai phổ biến hơn trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, ngành giao thông vận tải, nông lâm nghiệp và thủy sản.
Đáng chú ý, nhóm hành động xanh hóa sản xuất đã hỗ trợ và khuyến khích áp dụng công nghệ, đào tạo nhân lực theo hướng xanh, từng bước phát triển khu vực kinh tế xanh và hạ tầng bền vững. Còn nhóm hành động xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững đã bước đầu giúp thay đổi nhận thức, hành vi sản xuất, sinh hoạt, cải thiện cảnh quan, môi trường sống, đặc biệt tại các xã nông thôn mới. Thêm vào đó, các nguồn lực đa dạng được huy động cho tăng trưởng xanh, mảng đầu tư xanh đã dần chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong cơ cấu đầu tư phát triển cả công và tư.
Việc thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ góp phần đóng góp trực tiếp cho 44/115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, đồng thời gián tiếp đóng góp cho các mục tiêu chiến lược và mục tiêu cụ thể còn lại thông qua các tác động lan tỏa của các chủ đề, nhóm nhiệm vụ hoạt động tăng trưởng xanh. |
Cần khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, bên cạnh những thành tựu đạt được, Kế hoạch hành động 2014-2020 có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Một hạn chế lớn nhất là cách tiếp cận xây dựng Kế hoạch chưa toàn diện, thiếu phân tích mối liên hệ giữa Chiến lược tăng trưởng xanh với Kế hoạch, chưa xác định rõ những chủ đề, nhóm nhiệm vụ tổng thể liên ngành, liên vùng và theo ngành, lĩnh vực ưu tiên. Do đó, Kế hoạch còn thiếu tính định hướng và lộ trình khả thi trong thực hiện, giám sát, đánh giá các mục tiêu và các nhóm hành động.
|
Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: tapchitaichinh.vn
|
Từ kết quả thực tiễn, các chuyên gia chỉ ra rằng, các hành động trong Kế hoạch còn dàn trải, đơn lẻ, thiếu nhất quán về trọng tâm ưu tiên và cách thức triển khai. Nguồn lực thực hiện chưa được đảm bảo, khung huy động nguồn lực chưa phát huy hết tiềm năng từ khu vực tư nhân nên còn nhiều hoạt động chưa được thực hiện hoặc thực hiện trên quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Do đó, kết quả thực hiện Kế hoạch chỉ đạt 3/12 mục tiêu đặt ra và còn thiếu sức lan tỏa.
Trong khi đó, Chiến lược tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Về dài hạn, việc thực hiện tốt Chiến lược sẽ tác động đáng kể đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: GDP, việc làm, đầu tư, thu ngân sách do lợi ích về kinh tế lớn hơn chi phí tăng thêm để thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh.
Hơn nữa, đói nghèo sẽ giảm, đặc biệt giảm nhanh hơn ở nông thôn nhờ các giải pháp tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư và giữa nông thôn với thành thị. Các chất gây ô nhiễm môi trường được kiểm soát và giảm dần, góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe cộng đồng.
Trong quá trình hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0, danh mục các giải pháp chống chịu, giảm nhẹ và các công cụ chính sách sẽ quyết định tính đồng lợi ích và đánh đổi giữa các giải pháp chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới phát triển bền vững.
Bộ KH&ĐT đánh giá, đa số các giải pháp có tính đồng lợi ích với các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng có giải pháp thúc đẩy mục tiêu này nhưng lại tác động tiêu cực đến mục tiêu khác. Chẳng hạn, một số giải pháp chống chịu trong ngành nông nghiệp góp phần tăng cường an ninh lương thực nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe, hệ sinh thái và làm gia tăng bất bình đẳng. Do đó, việc thực hiện các giải pháp để mang lại kết quả đồng bộ, tích cực vẫn còn khá gian nan./.
H.THOAN