Thứ Năm, 28/3/2024 - 20:26:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chủ động hội nhập, tránh bị cuốn vào “bão” công nghệ

THỨ NĂM, 03/05/2018 15:30:00 | HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(BKTO) - Có nguồn lao động trẻ dồi dào, tuy nhiên, trình độ lao động hạn chế, năng suất lao động thấp lại đang trở thành rào cản hội nhập của người lao động (NLĐ) Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) đã trao đổi với Báo Kiểm toán để làm rõ thêm về vấn đề này.

Ông Lê Đình Quảng
Thưa ông, cách mạng 4.0 đang mang đến những thay đổi to lớn trong lĩnh vực sản xuất. Những thay đổi này sẽ tác động đến người lao động như thế nào?

- Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động. 
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 với nhiều thay đổi mang tính đột phá, thị trường lao động, việc làm của nước ta vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, như: dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng lao động thấp; tỷ lệ lao động trong các ngành nghề giản đơn lớn (may mặc, da giày…).

Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Sự hạn chế về kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập.

Cách mạng 4.0 với sự bùng nổ ứng dụng internet, công nghệ số, thiết bị thông minh vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngược lại, nước ta cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Hàng chục triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ không thể tiếp cận những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ…

Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để giải quyết những vấn đề khó khăn của nguồn lao động hiện nay?

- Trong bối cảnh như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân lực, trang bị cho NLĐ các kỹ năng mới. Ngay từ lúc này, nếu việc tổ chức đào tạo tốt hơn thì hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội. Trong đó, các cơ sở đào tạo cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, ngoại ngữ, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, chú trọng công tác dự báo hướng nghiệp... để chuẩn bị cho cách mạng 4.0.

Các cơ quan quản lý cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, có cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN cùng tham gia đào tạo nghề nghiệp. Song song đó là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển đội ngũ nhà giáo; đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục - đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng mềm phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, cơ quan chủ quản cần chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. 

Đối với NLĐ, phải xác định cuộc cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu và phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa, đừng để bị động cuốn vào cơn “bão” công nghệ. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, sự nỗ lực từ phía bản thân NLĐ sẽ quyết định trực tiếp đến thành công của họ, chứ không ai khác. 

Việt Nam đang thực hiện cam kết mở cửa thị trường với các nước ASEAN, xu hướng dịch chuyển lao động theo cách mạng 4.0 mang lại những cơ hội và thách thức gì cho lao động Việt Nam, thưa ông?

- Tại khu vực ASEAN, do trình độ phát triển không đồng đều nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ thấp. Sự thiếu hụt lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN được các nước quan tâm đề cập và vẫn đang trong quá trình lấp chỗ trống.

Trong khi đó, cách mạng 4.0 tạo điều kiện cho NLĐ được tự do đi tìm việc với nhiều sự lựa chọn hơn; phạm vi làm việc được mở rộng sang quốc gia khác hoặc làm việc cho người sử dụng lao động ở quốc gia khác. 

Do đó, NLĐ có trình độ, tay nghề cao sẽ ưu tiên những môi trường làm việc tốt, có chế độ đãi ngộ cao trong khu vực ASEAN. Điều đó sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lao động này trong nước, nhưng cũng mang đến thuận lợi, khi NLĐ sẽ mang lại nguồn thu ngoại tệ; đồng thời góp phần vào sự đổi mới sản xuất trong nước thông qua những kiến thức học được tại nước ngoài, sau khi về nước.  

Vì chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0, do đó, khó có thể khẳng định được những ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đối với NLĐ. Dù kịch bản nào xảy ra thì điều quan trọng đầu tiên, đó là Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật về lao động để phát huy thế mạnh về lao động của Việt Nam; thận trọng và linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu lao động để tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến một bộ phận NLĐ do mất việc làm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201