Chủ Nhật, 28/4/2024 - 05:58:44 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

GS. Đặng Hữu: Chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

THỨ NĂM, 17/03/2016 10:20:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Giáo sư, Viện sĩ Đặng Hữu - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về những triển vọng và thách thức trong hội nhập quốc tế về KH&CN cũng như những tác động của quá trình này tới tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước...

Giáo sư Đặng Hữu Ảnh: PHỐ HIẾN

Là người theo sát KH&CN trong suốt chặng đường dài của đất nước, giáo sư trăn trở gì với sự phát triển của ngành, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta rất thông minh và có tiềm năng. Trong suốt thời gian làm công tác giảng dạy cũng như quản lý, tôi thấy tuy chúng ta ít được đào tạo tốt trong thời chiến nhưng khi tiếp xúc với tri thức nước ngoài thì học rất nhanh. Trong kháng chiến, chúng ta có một số công trình khoa học không hề thua kém so với các nước ASEAN; còn vào những năm 1970, 1980, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học cơ bản của Việt Nam hơn hẳn. Nhưng có điều, mô hình kinh tế của chúng ta chưa thuận lợi cho ứng dụng khoa học. Nhiều giống mới chúng ta nghiên cứu ra như: phong lan, khoai tây, lúa… rồi chỉ đi hô hào nông dân làm thế này thế kia, nhưng làm ra không có thị trường lại bỏ đấy. Trong khi đó, ở Thái Lan, nghiên cứu xong thì có DN làm. DN ký kết và hướng dẫn nông dân trồng theo kỹ thuật của họ… rồi mua lại sản phẩm, làm thành dây chuyền sản xuất theo cơ chế thị trường nên phát triển rất nhanh.

Sau công cuộc đổi mới cho đến nay, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho các sản phẩm KH&CN vẫn bị tụt hậu so với thế giới, làm giảm năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. Chưa kể, chúng ta vẫn thiếu cơ chế quản lý khoa học nhất là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; trọng dụng, đãi ngộ nhân tài còn nhiều hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực, chủ động mở rộng các mối quan hệ thông qua việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về KH&CN, tích cực tham gia trong các diễn đàn hợp tác KH&CN đa phương (ASEAN, APEC…). Và ở góc độ nào đó, trong các mối quan hệ này đang có chiều hướng đổi từ “thụ động” sang “chủ động” hơn.

Vậy theo giáo sư, tồn tại yếu kém có thể nhận thấy rõ nhất trong lĩnh vực KH&CN hiện nay là gì?

- Tồn tại thấy rõ nhất hiện nay trong lĩnh vực KH&CN phải kể đến là nghiên cứu khoa học (NCKH). NCKH còn nặng cơ chế xin cho và không theo một quy tắc thống nhất, mạnh ai nấy làm đang là thực trạng NCKH hiện nay. Người ta sao đi chép lại nội dung các đề tài NCKH là chuyện thường. Thậm chí, còn có tình trạng giảng viên, người làm khoa học cắt nhỏ công trình NCKH thành những tiểu luận, khoá luận rồi giao cho sinh viên, học viên thực hiện, sau đó tổng hợp lại thành công trình NCKH của mình. Lại có người xem NCKH như những dự án nên chỉ chú trọng tới số tiền thu hơn là giá trị ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống. Chính những sự bất cập này không chỉ gây lãng phí kinh phí của Nhà nước không biết bao nhiêu tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo ra là những kẽ hở để cho không ít người dùng các đề tài NCKH để mua - bán, xin và cho. Những công trình NCKH bị cất vào tủ kính không phải là lỗi của một bộ phận mà là của cả một cơ chế. Cơ chế xét duyệt, cơ chế thực hiện, cơ chế quản lý, nghiệm thu. Chỉ một khâu trong đó bị lỗi cũng sẽ cho ra lò những sản phẩm thô kệch, không có giá trị thực tiễn. Để thay đổi được điều này trong thời gian ngắn là quá khó nhưng không phải không làm được.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng về KH&CN, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục những yếu kém trên, đồng thời tranh thủ những lợi thế từ hợp tác nước ngoài, chuyển giao công nghệ, thưa giáo sư?

- Hội nhập quốc tế, đồng nghĩa với việc KH&CN phải đi đầu, phải thực sự trở thành quốc sách. Để làm được điều này, cần thiết phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, nhất là cơ chế tài chính nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Giải pháp đưa ra là tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN với DN; liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, DN và nhà nông.

Ngoài những yêu cầu nêu trên, chúng ta cần phải đẩy mạnh đặt hàng hợp tác nghiên cứu với nước ngoài. Thông qua những dự án nghiên cứu hợp tác, chúng ta sẽ tranh thủ được “giá trị gia tăng” từ hợp tác quốc tế như bí quyết công nghệ và chuyển giao công nghệ. Việc đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu sẽ  giúp tối ưu được việc sử dụng nguồn lực trong nước, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ tối đa của đối tác nước ngoài trong việc triển khai các nội dung trong chương trình. Ngoài ra, việc đặt hàng hợp tác nghiên cứu sẽ tạo thêm nguồn kinh phí để ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn, trong bối cảnh kinh phí dành cho khâu ứng dụng theo ngân sách cấp đang rất hạn hẹp. Sự liên kết giữa các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước với các chương trình/dự án hợp tác với nước ngoài cần phải được tăng cường hơn nữa. Trong đó, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ cao phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế về KH&CN.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

NGUYỄN LỘC (Thực hiện)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201