Thứ Ba, 21/5/2024 - 21:40:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều "lỗ hổng" pháp luật về quản lý đất đai

THỨ NĂM, 20/10/2022 08:50:01 | HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN
(BKTO) - Qua công tác kiểm toán năm 2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật về quản lý đất đai còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

Năm 2022, hoạt động kiểm toán của KTNN  tiếp tục đổi mới toàn diện, đạt nhiều kết quả nổi bật. Ảnh Tư liệu


KTNN vừa có Báo cáo công tác năm 2022 gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo nêu rõ, năm 2022, KTNN xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) với 178 nhiệm vụ kiểm toán. Trong đó, KHKT năm 2022 đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề quan trọng phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hoạt động kiểm toán của KTNN tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán. Chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt với nhiều kết quả nổi bật.

Qua đó, hoạt động kiểm toán đã góp phần quan trọng vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động kiểm toán năm 2022 là KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong lĩnh vực đất đai, trong đó có những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng Luật Đất đai và pháp luật về quản lý đất đai.

Cụ thể, qua kiểm toán công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), KTNN phát hiện còn trường hợp chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê, chưa thực hiện thủ tục cho thuê đất, chưa thực hiện cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; miễn tiền thuê đất trong thời gian chưa nộp đủ hồ sơ xin miễn, miễn tiền thuê đất quá thời hạn.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán việc xác định giá đất của một số dự án đất cho thấy, chưa có quy định về việc điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư với NSNN khi có sự thay đổi của các yếu tố ước tính tổng doanh thu phát triển.

Trong khi đó, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT hướng dẫn sử dụng tối thiểu 03 tài sản so sánh đưa vào hiệu chỉnh để hình thành đơn giá của tài sản định giá. Tuy nhiên, trên thực tế, khi thay thế một tài sản so sánh này bằng một tài sản so sánh khác có thể làm thay đổi (tăng hoặc giảm) đơn giá của tài sản định giá nên rủi ro nhiều trong việc xác định giá đất.

Bên cạnh đó, những yếu tố tác động tới doanh thu phát triển và những yếu tố tác động tới chi phí phát triển đều do đơn vị tư vấn ước tính.

Cũng liên quan lĩnh vực đất đai, năm 2022, KTNN đã kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 của tỉnh Bắc Ninh, Cà Mau, Lào Cai.

Kết quả kiểm toán chỉ ra tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng thẩm quyền; lập, thẩm định, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chậm; phê duyệt bổ sung các dự án thu hồi đất khi chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; chưa công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trên cổng thông tin điện tử...
 

Những tồn tại, bất cập trong quản lý lĩnh vực đất đai được KTNN chỉ ra là một trong những cơ sở quan trọng khi xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh minh họa: chinhphu.vn


Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt giá đất chậm, hồ sơ không đầy đủ; xác định giá đất để đấu giá thuê đất trả tiền một lần không phù hợp; làm nhà, xây dựng kiến trúc trên đất nông nghiệp hoặc không phải đất ở...; một số dự án được giao đất, cho thuê đất nhiều năm nhưng chưa phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hết thời hạn thuê đất nhưng chưa làm thủ tục gia hạn.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy tình trạng các địa phương chưa thực hiện thu hồi đất đối với các dự án chậm sử dụng đất nhiều năm, chưa thu tiền bảo vệ đất trồng lúa đối với các dự án đấu giá đất; giá đất nông nghiệp, đất ở tại đô thị còn bất cập.

Đồng thời, đất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý, đất mặt nước chuyên dùng đất xen kẹt chưa được quản lý chặt chẽ, còn nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng...; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất chung của tỉnh; kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp với khả năng thực hiện...

Chỉ ra những bất cập trong áp dụng Luật Đất đai và các văn bản pháp luật về quản lý đất đai, KTNN nêu rõ, quy định pháp luật hiện chưa có hướng dẫn về việc quyết toán chi phí hạ tầng tính trong chi phí phát triển của phương án giá đất của các dự án. Đồng thời, thời điểm xác định giá đất theo quy định của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn chưa quy định cụ thể thời điểm bắt đầu tiến hành công tác định giá đất và thời điểm bắt buộc phải ban hành quyết định phê duyệt giá đất khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến chậm thu tiền sử dụng đất vào NSNN.

Cũng theo KTNN, pháp luật về đất đai chưa quy định cụ thể về thẩm quyền và trình tự thực hiện việc điều chỉnh giá đất, tiền sử dụng đất theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chưa có hướng dẫn bảo đảm thống nhất các trường hợp huỷ đấu giá khi nhà đầu tư không nộp tiền đúng phương án đấu giá giữa thực hiện Luật Đấu giá và Luật Đất đai.

Ngoài ra, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (quy định về bồi thường, hỗ trợ; tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng tài sản trên đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ (đối với trường hợp không phải thu hồi đất và giải tỏa tài sản trên đất).

Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, những hạn chế, bất cập được KTNN chỉ ra qua công tác kiểm toán sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho Quốc hội trong quá trình xem xét, thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai./.
Đ. KHOA

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn giảng viên về kiểm toán hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với CAAF

Tập huấn giảng viên về kiểm toán hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với CAAF

(BKTO) - Trong 03 ngày 28, 31/10 và 01/11 tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam phối hợp với Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) tổ chức khóa đào tạo dành cho đội ngũ giảng viên về kiểm toán hoạt động (KTHĐ) trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa KTNN Việt Nam và CAAF.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201