Thứ Bảy, 27/4/2024 - 05:59:37 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ cương để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao

THỨ SÁU, 31/01/2020 08:05:00 | HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO KTNN
(BKTO) - Năm 2019, KTNN đã nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm, hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch công tác. Trên cơ sở đó, KTNN tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu cao hơn cho năm 2020. Trước thềm Xuân Canh Tý, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với Báo Kiểm toán những kết quả nổi bật và thông tin quan trọng trong hoạt động của Ngành năm qua và các giải pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ năm 2020.

♦ Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, năm 2019 đánh dấu mốc 25 năm xây dựng và phát triển KTNN vừa khép lại với nhiều dấu ấn, thành tựu quan trọng. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước vui lòng điểm lại một số kết quả nổi bật mà Ngành đã đạt được trong năm qua?

-  Có thể nói, năm 2019 là năm thắng lợi của KTNN trên mọi lĩnh vực công tác. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN và sự nỗ lực rất lớn của toàn Ngành, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện trên cả 3 mặt: kinh tế, hiệu lực và hiệu quả bằng việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, sát hợp. Kế hoạch kiểm toán năm 2019 đã hoàn thành đúng tiến độ, phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2019, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, KTNN đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ cao, coi đây là đòn bẩy đột phá. Trong năm qua, KTNN đã tích hợp, ứng dụng 18 phần mềm phục vụ quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán và hoạt động của các đơn vị trong toàn Ngành. Đồng thời, KTNN đã ban hành Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đã và đang số hóa hồ sơ kiểm toán, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán và xây dựng trung tâm dữ liệu kiểm toán của KTNN ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm bê tông vào hoạt động kiểm toán, góp phần đưa KTNN tham gia chủ động vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi trong tương lai.

 
“Nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ngành hết sức nặng nề, đầy thách thức, do đó, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN cùng nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác đề ra”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước 
Hồ Đức Phớc  
Bên cạnh đó, năm 2019, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 bước vào giai đoạn nước rút, tín hiệu đáng mừng là toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng cho năm 2020 thực hiện thành công toàn diện Chiến lược. Để sẵn sàng cho một thời kỳ phát triển mới, KTNN cũng đã bắt tay xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030). Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến để KTNN tiếp tục hoàn thiện Dự thảo và phê duyệt trong năm 2020.

Một dấu ấn nổi bật nữa là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó bổ sung, làm rõ một số nội dung quan trọng, như: quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyết định việc kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN; quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán... Cùng với Luật KTNN năm 2015, những nội dung được sửa đổi, bổ sung mới này tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của KTNN, qua đó, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán tiếp tục được nâng cao.

Trên trường quốc tế, uy tín và vị thế của KTNN tiếp tục được nâng tầm thông qua nhiều hoạt động hợp tác được mở rộng và tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu. KTNN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) để đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI; tích cực phối hợp với các thành viên Ban Điều hành ASOSAI cùng thúc đẩy mối quan hệ giữa ASOSAI và các tổ chức khu vực và quốc tế, như: Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Mỹ Latinh (OLACEFS); Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI)...; thể hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI, cũng như tham gia ngày càng sâu và có trách nhiệm trong hoạt động các Ban (Nhóm) của INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI. Trong năm, KTNN đã cử 216 lượt cán bộ, kiểm toán viên đi học tập ở nước ngoài, như: kiểm toán khai thác dầu khí ở Kuwait, kiểm toán CNTT ở Trung Quốc...

Trên các lĩnh vực công tác khác của KTNN như: tổ chức cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học; ứng dụng CNTT; xây dựng cơ sở vật chất, hoạt động an sinh xã hội... đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tích chung của toàn Ngành.

♦ Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiệm vụ kiểm toán có vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động của Ngành. Rất mong Tổng Kiểm toán Nhà nước thông tin cho độc giả về kết quả thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2019? 

- Đúng vậy, nhiệm vụ kiểm toán luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng số một của Ngành. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, Kế hoạch kiểm toán năm 2019 đã được lãnh đạo KTNN ban hành và chỉ đạo toàn Ngành tập trung triển khai quyết liệt. Đến nay, Kế hoạch kiểm toán năm 2019 đã hoàn thành, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, kết quả kiểm toán đã phản ánh chân thực “bức tranh” quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán.

Cụ thể, qua số liệu tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019, đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu giảm chi 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân. Đồng thời, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập đối với các lĩnh vực: thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...

Tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, năm 2019, KTNN đã chủ động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, các đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN năm 2020 và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020 để Quốc hội xem xét, quyết định. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 với những phát hiện kiểm toán nổi bật. Ngoài ra, KTNN cũng đã gửi nhiều báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của UBTVQH, Chính phủ, các đoàn giám sát của UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội tại một số địa phương.
 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc Choe Jaehyeong trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc tháng 6/2019. Ảnh: TTXVN

Góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, năm 2019, KTNN cũng đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, KTNN đã bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, UBTVQH để chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2019 đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; phối hợp tốt với cơ quan thanh tra để đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo. Việc lập kế hoạch kiểm toán của từng cuộc kiểm toán cũng tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Trong chỉ đạo, điều hành, nhiều công văn, chỉ thị, công điện chỉ đạo phương án tổ chức kiểm toán; hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu; tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2019; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán... đã được ban hành kịp thời, quán triệt sâu rộng đến toàn Ngành. Công tác thanh tra và kiểm soát chất lượng kiểm toán theo 5 cấp độ tiếp tục được tăng cường nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, hỗ trợ các cuộc kiểm toán đạt chất lượng, tiến độ, hiệu quả toàn diện nhất.

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tính đến ngày 20/12/2019, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đã đạt 62.799 tỷ đồng/92.499 tỷ đồng, bằng 70,1% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; 19 văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ; 34 tập thể, cá nhân đã bị xử lý trách nhiệm theo quy định.

♦ Được biết, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra cho năm 2020 của Ngành cũng nặng nề và nhiều thách thức hơn. Vậy những giải pháp nào sẽ được KTNN chú trọng triển khai trong năm 2020, thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước?

- Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả nước nói chung, đối với KTNN nói riêng. Đây là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm cuối để KTNN hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; năm thứ hai KTNN đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
 
Góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, năm 2019, KTNN cũng đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư,cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụcông tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 5 vụ việccó dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạovà chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quyđịnh của pháp luật.
Trong bối cảnh đó, KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2020 là: “Hoàn thành toàn diện Kế hoạch hoạt động năm 2020 trên tinh thần đổi mới đưa nội dung đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán vào Kế hoạch kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ CNTT, công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán, giảm thời gian kiểm toán; quyết liệt hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 của KTNN; tăng cường đào tạo nhân lực, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, KTNN sẽ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2020 bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Cùng với thực hiện tốt các nhóm giải pháp thường kỳ, trong năm 2020 cần chú trọng thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Một là, tổ chức thực hiện thành công các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả trên tinh thần đổi mới toàn diện phương pháp quản lý hoạt động kiểm toán, cải cách hành chính, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Tập trung nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên nhà nước, siết chặt kỷ luật kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng kiểm toán. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan T.Ư, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hai là, tăng cường tuyên truyền phổ biến và tích cực triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015; trọng tâm là xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn kiểm toán và hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán theo quy định. 

Ba là, tiếp tục hoàn thiện và trình UBTVQH phê duyệt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 theo Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2020 của UBTVQH. 

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế của KTNN, đặc biệt đối với việc triển khai kế hoạch đối ngoại năm 2020, cụ thể hóa các nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình khung thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; tăng cường năng lực chuyên môn đối ngoại, trình độ ngoại ngữ, kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán mới để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán và hội nhập quốc tế của KTNN. 

Năm là, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng vấn đề bảo mật. Quyết liệt ứng dụng CNTT và công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán. Triển khai việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu lớn phục vụ hoạt động kiểm toán; hoàn thành các nội dung công việc thuộc Đề án tổng thể CNTT giai đoạn 2015-2020... 

Bên cạnh đó, KTNN sẽ tiếp tục kiện toàn công tác cán bộ; triển khai hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 nâng cao năng lực chuyên môn cho kiểm toán viên nhà nước; đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng; tích cực phát huy tinh thần dân chủ; tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể đồng bộ với hoạt động của các cấp chính quyền. 

Nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ngành hết sức nặng nề, đầy thách thức, do đó, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN cùng nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác đề ra.

♦ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
 
Có thể nói, năm 2019 là năm thắng lợi của KTNN trên mọi lĩnh vực công tác. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN và sự nỗ lực rất lớn của toàn Ngành, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện trên cả 3 mặt: kinh tế, hiệu lực và hiệu quả bằng việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, sát hợp. Kế hoạch kiểm toán năm 2019 đã hoàn thành đúng tiến độ, phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2019, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
HỒNG THOAN (thực hiện)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201