(BKTO) - Dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) gồm 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với KHKT năm 2022.
Tăng cường kiểm toán quyết toán NSNN, các chuyên đề, chủ đề có quy mô lớn, phạm vi rộng
|
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH
|
Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 12/9 về dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN dự kiến tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2023 không tăng so với năm 2022, đồng thời phải đảm bảo tăng cường các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán NSNN hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015; tăng tỷ trọng các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường… theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Cùng với đó, KTNN sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Với định hướng trên, năm 2023, KTNN dự kiến kiểm toán 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với KHKT năm 2022.
Trong đó, đối với lĩnh vực NSNN, KTNN tập trung kiểm toán xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của HĐND các địa phương và Quốc hội.
Đồng thời, đánh giá việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, đặc biệt là các vấn đề nêu tại Nghị quyết số 53/2022/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020; việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; việc thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 02/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Về kiểm toán chuyên đề, KTNN dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.
Trong đó, một số chuyên đề lớn dự kiến sẽ được kiểm toán như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, của UBTVQH (như 03 chương trình mục tiêu quốc gia); Chuyên đề về kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ; Chuyên đề về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Cùng với đó, KTNN xác định tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin, trong đó lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các chủ đề về môi trường để thực hiện kiểm toán.
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, KTNN lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các công trình trọng điểm, giao thông liên vùng khu vực Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển theo Quyết định 129/QĐ-TTg; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án bảo vệ môi trường, chống ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Năm 2023, KTNN cũng sẽ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH nhất trí với mục tiêu, định hướng và lĩnh vực kiểm toán như đề xuất của KTNN.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH
|
Đồng tình với định hướng giảm số lượng các cuộc kiểm toán năm 2023 của KTNN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần xác định nội dung kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi, đến chốn để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán nhằm mang lại những tác động lan tỏa, tích cực.
Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị KTNN tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách các năm…
Đồng thời đề nghị KTNN cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai dự án đang dở dang, ít khối lượng hoàn thành.
UBTVQH cũng đề nghị KTNN cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cân đối lực lượng, thời gian để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán NSNN.
KTNN cần bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán, nhất là tại các địa phương, các Bộ có nhiều đoàn kiểm toán để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, kiểm tra để xử lý chồng chéo, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt trong xây dựng KHKT năm 2023 của KTNN là “gọn, ít, chất và đi đến cùng vấn đề”. Với tinh thần đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, KTNN sẽ tiếp tục rà soát kỹ lại các nội dung để hoàn thiện KHKT năm 2023 gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trước khi ban hành./.
Đ. KHOA