Thứ Sáu, 29/3/2024 - 04:05:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Chỉ thị nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch kiểm toán năm 2020

THỨ BA, 28/01/2020 17:00:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ban hành Chỉ thị số 134/CT-KTNN, trong đó yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN chỉ đạo và tổ chức thực hiện 12 nội dung quan trọng.

Một là, tăng cường kiểm soát việc xác định phạm vi, giới hạn kiểm toán; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm định, xác minh, đối chiếu trong quá trình thực hiện kiểm toán. Cụ thể, về danh mục kiểm toán chi tiết, thực hiện nghiêm danh mục chi tiết đầu mối, đơn vị và dự án kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt tại Thông báo số 1518/TB-KTNN ngày 28/11/2019; trường hợp thay đổi vì lý do khách quan, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định. Nghiêm cấm việc kiểm toán ngoài phạm vi theo kế hoạch được phê duyệt.

Về giới hạn kiểm toán, thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm toán chịu trách nhiệm làm rõ nội dung giới hạn trong KHKT và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về các nội dung giới hạn này; khi xác định giới hạn kiểm toán của đoàn kiểm toán, cần xác định rõ nguyên nhân các nội dung giới hạn để xây dựng kế hoạch chính xác; lãnh đạo KTNN phụ trách đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm xem xét, quyết định.

Việc xác định giới hạn kiểm toán của các tổ kiểm toán không được nằm ngoài giới hạn của đoàn kiểm toán trừ các nội dung giới hạn do thiếu nhân lực hoặc không thuộc nội dung kiểm toán của tổ kiểm toán; các trường hợp bổ sung nội dung giới hạn của tổ kiểm toán nằm ngoài nội dung giới hạn của đoàn kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán phải báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm toán phê duyệt và báo cáo lãnh đạo KTNN phụ trách trước khi thực hiện. Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì kiểm tra về giới hạn các đoàn, tổ kiểm toán.

Về kiểm tra thực tế và kiểm định chất lượng công trình, dự án, tăng cường thực hiện kiểm tra thực tế tại công trình khi kiểm toán dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định về kiểm tra, đối chiếu. Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xem xét khối lượng xây lắp, thiết bị nghi ngờ gian lận, sai phạm để báo cáo lãnh đạo KTNN phụ trách triển khai kiểm định đánh giá chất lượng, khối lượng công trình nhằm phát hiện gian lận, sai phạm.

Về đối chiếu thuế, thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm toàn diện về cơ sở, phạm vi, nội dung, đối tượng và kết quả đối chiếu thuế theo đúng quy định tại Công văn số 275/KTNN-CĐ ngày 18/3/2016 của KTNN về việc hướng dẫn nâng cao hiệu lực công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế khi kiểm toán tại cơ quan thuế, cơ quan hải quan. Việc đối chiếu thuế cần thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm cấm việc lợi dụng đối chiếu thuế để hạch sách, vòi vĩnh doanh nghiệp. Đối với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, số lượng mẫu chọn đối chiếu thuế không vượt quá số lượng mẫu chọn năm 2019 (trường hợp địa phương không thực hiện kiểm toán năm 2019, số lượng mẫu chọn không vượt quá 50% số lượng mẫu chọn năm kiểm toán gần nhất).

Về đối chiếu, xác minh hồ sơ, tài liệu, chứng từ, tăng cường việc xác minh đối chiều hồ sơ, tài liệu, chứng từ khi hoài nghi về gian lận, sai phạm. Việc quyết định xác minh hồ sơ giao cho thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đồng thời báo cáo lãnh đạo KTNN phụ trách khi thực hiện. Nghiêm cấm việc lợi dụng xác minh, đối chiếu để hạch sách, vòi vĩnh, tiêu cực.
 

KTNN đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi Kế hoạch kiểm toán năm 2020 (Ảnh minh họa - Nguồn: corporatefinanceinstitute.com)


Hai là, nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng trong quá trình kiểm toán. Trưởng đoàn kiểm toán yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình những vấn đề phát hiện và tổ chức thu thập bằng chứng kiểm toán thích hợp theo quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN ngày 28/12/2018 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán; đặc biệt cần tăng cường thảo luận với đơn vị được kiểm toán trong thời gian thực hiện kiểm toán để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, cơ sở pháp lý đối với các phát hiện kiểm toán nhằm đảm bảo tính chính xác, đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật, các dấu hiệu, hành vi tham nhũng, trưởng đoàn kiểm toán kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm toán và lãnh đạo KTNN phụ trách, đồng thời báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra theo quy định.

Ba là, triển khai áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với 05 lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính; báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành; ngân sách địa phương; dự án đầu tư; doanh nghiệp; ngân hàng.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt phải áp dụng các phần mềm kiểm toán, như: Phần mềm Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; Phần mềm IDEA sử dụng trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp và ngân hàng. Các đơn vị phải chủ động cập nhật dữ liệu đầy đủ vào phần mềm Quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán theo đúng thời hạn quy định tại Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm tại Quyết định số 1743/QĐ-KTNN ngày 21/11/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán nhằm tăng cường hiệu quả phát hiện sai phạm.

Năm là, thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán và tổ trưởng tổ kiểm toán nêu cao tính tiên phong, bản lĩnh, gương mẫu và trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động kiểm toán. Nghiêm cấm việc cố tình giữ lại vụ việc không chuyển cơ quan điều tra, bỏ sót thông tin, cố tình làm sai lệch hoặc không báo cáo đầy đủ về kết quả kiểm toán.

Sáu là, cán bộ, công chức tham gia đoàn kiểm toán phải tuân thủ tuyệt đối quy định về quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN và Chuẩn mực KTNN số 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, đặc biệt lưu ý: Nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; uống rượu, bia, hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán, tiết lộ kết quả kiểm toán khi Báo cáo kiểm toán (BCKT) chưa phát hành.

Bảy là, thực hiện nghiêm quy định về thời gian phát hành BCKT, cụ thể: Không bố trí trưởng đoàn kiểm toán của các đoàn kiểm toán của BCKT phát hành quá 45 ngày và 60 ngày (đối với các trường hợp được lãnh đạo KTNN cho phép kéo dài thời gian phát hành) làm trưởng đoàn kiểm toán của cuộc kiểm toán tham gia tiếp theo. Tất cả các đoàn kiểm toán kết thúc cuộc kiểm toán trong KHKT năm 2020 trước ngày 31/10/2020 và BCKT thuộc KHKT năm 2020 phải phát hành trước ngày 31/12/2020. Thời gian phát hành BCKT sẽ là một tiêu chí để bình xét thi đua cuối năm và xem xét trách nhiệm của trưởng đoàn, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.

Tám là, thực hiện rà soát, làm rõ trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán liên quan trực tiếp đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán để xử lý dứt điểm các văn bản khiếu nại, kiến nghị kéo dài quá thời gian quy định. Trường hợp cần thiết, thủ trưởng đơn vị tạm thời không bố trí tham gia hoạt động kiểm toán đối với các thành viên trực tiếp liên quan đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán để có thời gian trả lời dứt điểm. Từ ngày 01/7/2020, việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.

Chín, đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật hoặc xếp loại “Chất lượng còn hạn chế”: Không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với công chức, kiểm toán viên vi phạm kỷ luật từ hình thức kiểm điểm trở lên trong hoạt động kiểm toán năm 2019 hoặc đang trong thời gian xem xét kỷ luật liên quan đến thực thi công vụ. Thành viên đoàn kiểm toán bị xếp loại “Chất lượng còn hạn chế” phải viết tường trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến chất lượng còn hạn chế và thủ trưởng đơn vị đề xuất phương án xử lý.

Mười là, chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra khi phát hiện chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán để kịp thời xử lý.

Mười một, đối với việc khảo sát lập kế hoạch kiểm toán và công bố Quyết định kiểm toán, nhằm giảm bớt khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, cải cách thủ tục hành chính, thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập tài liệu, yêu cầu cung cấp tài liệu điện tử; cử cán bộ, kiểm toán viên thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu để lập KHKT, hạn chế tổ chức quá đông người, xuống nhiều lần, làm việc nhiều ngày làm ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán báo cáo lãnh đạo KTNN phụ trách phê duyệt số lượng người tham gia đoàn khảo sát trước khi thực hiện. Đối với các cuộc kiểm toán xa trụ sở, thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán công bố quyết định kiểm toán và thực hiện kiểm toán thí điểm một số cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN.

Mười hai, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán khẩn trương tổ chức phổ biến, quán triệt để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán Nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý; sau mỗi đợi kiểm toán tổ chức đánh giá, sơ kết, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện Chỉ thị này.

Trong Chỉ thị số 134/CT-KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Thanh tra KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Trung tâm Tin học, Ban Quản lý dự án công nghệ thông tin; Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; Văn phòng KTNN…

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước cho ý kiến chỉ đạo.
 
Chỉ thị số 134/CT-KTNN ban hành ngày 20/01/2020 về việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2020 nêu đánh giá, trong năm 2019, được sự giúp đỡ, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, KTNN đã đạt được nhiều thành tích lớn, kết quả tốt, chất lượng kiểm toán được nâng cao.
 
 HỒNG THOAN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201