Thứ Năm, 25/4/2024 - 22:26:29 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nên giảm bớt mục tiêu để đảm bảo tính chuyên sâu cho cuộc kiểm toán

THỨ SÁU, 30/11/2018 09:05:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Được triển khai thực hiện lần đầu tiên năm 2007, đến nay, kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) đã chiếm khoảng 30% trong tổng số các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện hằng năm. Mặc dù vậy, đây vẫn là một hình thức kiểm toán gây nhiều tranh luận trong quá trình thực hiện.


Đoàn kiểm toán thông báo kết luận kiểm toán tại đơn vị - Ảnh: Tư liệu
 
Kiến nghị kiểm toán chưa sâu do đặt ra quá nhiều mục tiêu

Hiện nay, KTCĐ được thực hiện theo hai hình thức: tổ chức thành cuộc KTCĐ riêng và lồng ghép vào các cuộc kiểm toán ngân sách. Dù với hình thức nào, các cuộc kiểm toán này cũng đều đặt ra rất nhiều mục tiêu, đó là xác nhận, đánh giá tính tuân thủ, đánh giá hiệu lực, hiệu quả, phát hiện sai phạm, kiến nghị chính sách... 

KTCĐ là cuộc kiểm toán tổng hợp trên diện rộng, tuy nhiên trên thực tế, ngay cả các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tại DN, Bộ, ngành hay địa phương, cũng đều được đặt ra từ 3 - 5 mục tiêu kiểm toán và cuộc nào cũng mang dáng dấp của KTCĐ. Vấn đề ở đây chính là việc nhận diện, xác định nội dung trọng tâm của mỗi cuộc kiểm toán, các đoàn không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu để rồi không đạt kết quả như mong muốn. 

Giai đoạn 2017-2018, KTNN khu vực IV đã và đang thực hiện 32 cuộc kiểm toán, trong đó có 6/32 cuộc KTCĐ độc lập. Thực tiễn kiểm toán cho thấy, phần lớn các cuộc KTCĐ độc lập có kết quả và chất lượng cao hơn so với các cuộc KTCĐ lồng ghép, thậm chí mức độ tác động của kiến nghị cao hơn các cuộc kiểm toán ngân sách thường niên. Mặc dù vậy, qua các cuộc kiểm toán này, chúng tôi  cũng nhận thấy việc triển khai KTCĐ vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định.

Thứ nhất, một số chuyên đề thực hiện chưa thực sự tốt, còn sơ sài. Cụ thể, tại cuộc KTCĐ sử dụng đất năm 2017, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã được tập huấn, học tập nghiên cứu về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Song, trong quá trình thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên vẫn khá lúng túng, kết quả đưa ra không đảm bảo tính hiệu lực, các kiến nghị chưa sâu, chưa thuyết phục. KTNN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, bất cập nhưng lại không đưa ra được kiến nghị trong công tác quản lý sử dụng đất tại địa phương và công tác quy hoạch.

Thứ hai, mục tiêu kiểm toán đặt ra quá ôm đồm, cách thức tiếp cận chưa thực sự sâu. Trong 5 cuộc KTCĐ mà khu vực IV đã thực hiện, mỗi cuộc có trung bình 5 mục tiêu kiểm toán. Qua đối chiếu kết quả kiểm toán với các mục tiêu thiết lập trong kế hoạch kiểm toán được lãnh đạo KTNN phê duyệt, có thể thấy, mức độ hoàn thành các mục tiêu kiểm toán còn một khoảng cách khá lớn so với yêu cầu đề ra. Một số mục tiêu kiểm toán mới đạt được một phần so với kỳ vọng, chỉ 3/5 cuộc có kiến nghị xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân.  

Thứ ba, về loại hình kiểm toán, phần lớn nội dung, tiêu chí kiểm toán xác định và thực hiện trong các cuộc KTCĐ hiện nay là việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị được kiểm toán hoặc các đơn vị đối chiếu, hình thức kiểm toán tài chính và hoạt động chỉ chiếm phần thứ yếu. Do đó, các ý kiến nhận xét, đánh giá, kiến nghị kiểm toán thường là chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế đã xảy ra (đơn vị đã biết hoặc đã nhận thức), ít có kiến nghị mang tính định hướng tương lai như đề ra các giải pháp, chính sách, phương án thực thi hiệu quả hơn. 

Giải pháp hiệu quả cho các cuộc kiểm toán chuyên đề

Để các cuộc KTCĐ mang lại kết quả như mong muốn, KTNN cần thực hiện đầy đủ các giải pháp sau: 
Một là, tập trung lựa chọn các chủ đề kiểm toán có rủi ro cao, được xã hội quan tâm như: tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công…

Hai là, tăng cường KTCĐ với mục tiêu chính là đánh giá tính tuân thủ nhằm phát hiện sai phạm, kiến nghị với đơn vị được kiểm toán và cơ quan quản lý. Điều quan trọng là thông qua cuộc kiểm toán, KTNN sẽ phát hiện các bất cập trong chính sách để đưa ra kiến nghị phù hợp.

Ba là, để khắc phục những hạn chế, bất cập do triển khai nhiều cuộc KTCĐ độc lập và kiểm toán thường niên đồng thời, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, KTNN cần phải xác định trước các chủ đề dự kiến, các đơn vị, mục tiêu, nội dung kiểm toán tương ứng trên cơ sở đánh giá rủi ro, trọng yếu, từ đó ưu tiên thực hiện thay vì các cuộc kiểm toán thường niên. Bên cạnh đó, cần phải ưu tiên đội ngũ Kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào các cuộc KTCĐ.

Bốn là, cần có hệ thống hướng dẫn và lý luận xuyên suốt cho các cuộc KTCĐ, cụ thể là cần có sự hướng dẫn chi tiết hơn về đề cương và quy trình kiểm toán, bởi lẽ hiện nay, các KTNN chuyên ngành và khu vực vẫn còn lúng túng khi thực hiện hình thức kiểm toán này.

Năm là, sau khi kết thúc mỗi cuộc kiểm toán, các đoàn cần đúc kết, rút kinh nghiệm về tổ chức xây dựng hệ thống đề cương, hướng dẫn. Trong đó, phải đánh giá lại cách thức tổ chức lồng ghép hay tổ chức độc lập. Hiện nay, mỗi KTNN khu vực phụ trách 3 - 4 đơn vị cấp tỉnh, theo đó sẽ tổ chức các cuộc kiểm toán ngân sách với 5 - 6 mục tiêu kiểm toán. Theo tôi, nên giảm mục tiêu của các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, chỉ tập trung vào kiểm toán báo cáo tài chính, còn lại tổ chức kiểm toán theo từng chuyên đề cụ thể để vừa giảm đầu mối, giảm áp lực vừa đảm bảo tính chuyên sâu.
 
Trong giai đoạn 2017-2018, KTNN khu vực IV đã và đang thực hiện 32 cuộc kiểm toán, trong đó có 6/32 cuộc KTCĐ độc lập, bao gồm: 2 chuyên đề đất đô thị tại TP. HCM và Bình Dương; 1 cuộc KTCĐ tái định cư TP. HCM; 1 cuộc chuyên đề ưu đãi đầu tư tại khu công nghiệp và khu chế xuất; 1 cuộc kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu khu công nghệ cao; 1 cuộc KTCĐ huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng các trường mầm non trên địa bàn TP. HCM (chưa kết thúc). Kết quả kiểm toán của 5 cuộc KTCĐ đã kết thúc như sau:

Về sai phạm tài chính, qua 5 cuộc kiểm toán, KTNN khu vực IV kiến nghị xử lý tài chính khoảng 5.074 tỷ đồng. Với tổng số 62 kiểm toán viên (KTV) thực hiện, tính trung bình mỗi cuộc kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 1.015 tỷ đồng. Như vậy, so với kết quả kiểm toán ngân sách địa phương trên địa bàn TP. HCM năm 2017 (kiến nghị xử lý tài chính là 2.247 tỷ đồng, do 40 KTV thực hiện), KTCĐ có số kiến nghị xử lý tài chính tính trên mỗi KTV hiệu quả hơn 8,4 lần. 

Với kiến nghị về cơ chế, chính sách, thông qua 5 cuộc KTCĐ, KTNN khu vực IV đã phát hiện các bất cập, sơ hở trong quản lý ngân sách địa phương để kiến nghị khắc phục, đặc biệt là kiến nghị chính sách về đất đai. Cụ thể như sau: có 94 kiến nghị khắc phục những hạn chế trong quản lý điều hành, trung bình 19 kiến nghị/cuộc kiểm toán; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với khoảng 37 tổ chức, sửa đổi 3 văn bản pháp luật không phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước.
 
BẮC SƠN (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201