Thứ Năm, 18/4/2024 - 09:01:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Lựa chọn chủ đề kiểm toán: Cần chuyển từ thế bị động sang chủ động

THỨ SÁU, 30/11/2018 09:15:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán là điều kiện tiên quyết để xác lập giá trị của một cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ). Tại Tọa đàm "Tổ chức KTCĐ của KTNN: Thực trạng và giải pháp", các đại biểu đã chỉ ra nhiều hạn chế, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục một cách hiệu quả bước khởi đầu này.

Thiếu chủ động trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán 

Về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất quan điểm, việc xác định chủ đề kiểm toán cần dựa trên một số cơ sở, đó là: những vấn đề Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội quan tâm; những lĩnh vực cần phải sửa đổi, cải tiến hay tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc sử dụng các nguồn lực và không đạt mục tiêu đề ra; những chủ đề có mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán phù hợp với định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; những chủ đề phù hợp với khả năng, trình độ và nguồn nhân lực của KTNN…

Theo PGS,TS. Đinh Trọng Hanh, chủ đề KTCĐ hiện nay thường có phạm vi rộng nên tính chất chuyên đề và mục tiêu chuyên sâu bị hạn chế. Việc lựa chọn và nghiên cứu chuyên đề kiểm toán của các chuyên ngành và khu vực thường thụ động, dựa chủ yếu vào yêu cầu của lãnh đạo KTNN.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đào Văn Dũng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia - cho rằng, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phải toát lên được ba nội dung, đó là: đối tượng kiểm toán, phạm vi kiểm toán, đơn vị được kiểm toán. Nếu chủ đề đưa ra mà không thể hiện rõ ba nội dung trên thì cuộc kiểm toán sẽ không thể thực hiện được. Hiện, chỉ một số chủ đề kiểm toán là đúng và sát với yêu cầu, còn lại phần lớn đều phải điều chỉnh phạm vi, tên của chuyên đề.

Nhiều chuyên đề được lựa chọn kiểm toán chưa mang lại kết quả như mong muốn; một số chuyên đề chưa phải là các vấn đề thiết thực, nổi cộm, chưa được các cấp quản lý quan tâm, chưa đi sâu, giải đáp các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng trên xảy ra chủ yếu là do hầu hết các đơn vị trong Ngành còn bị động khi lựa chọn nội dung và chương trình để thực hiện KTCĐ trong kế hoạch hằng năm của đơn vị mình. Nhiều đơn vị chỉ lựa chọn chủ đề khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN. 

Việc lựa chọn chủ đề không đạt yêu cầu được đại diện KTNN chuyên ngành VI lý giải: Do cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cuộc kiểm toán chưa đầy đủ nên quá trình lựa chọn chủ đề kiểm toán chủ yếu chỉ thông qua việc thu thập thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, không đảm bảo tính chính xác về tình hình thực hiện của chương trình/đối tượng để có thể xác định được các nội dung, phạm vi, đối tượng dự kiến kiểm toán. Trong khi đó, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán lại phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm quản lý của từng địa phương, hoặc mang tính chất liên vùng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. 

Ngoài ra, theo ý kiến của đại diện KTNN chuyên ngành V, chủ đề kiểm toán thường do một đơn vị chủ trì thực hiện, chưa có sự phối hợp giữa các các chuyên ngành, khu vực nên chưa có sự nghiên cứu toàn diện, nhất là đối với các vấn đề có nhiều cấp, nhiều ngành tham gia. Bản thân đơn vị chủ trì nhiều lúc cũng lúng túng trong việc thực hiện khảo sát các cuộc KTCĐ, nhất là khi có sự chồng chéo về nhiệm vụ giữa các đơn vị tham gia kiểm toán. 

Để lựa chọn trúng chủ đề kiểm toán 

Theo ông Lê Hoài Nam - Vụ Tổng hợp (KTNN), cần nghiên cứu để đưa vào kế hoạch kiểm toán hằng năm ít nhất từ 3 đến 5 chuyên đề, với nội dung kiểm toán chuyên sâu có quy mô, phạm vi rộng và có sự tham gia kiểm toán của nhiều đơn vị trong ngành để đánh giá một cách tổng thể, toàn diện nhất. Đồng thời, ngành cũng nên xây dựng các chủ đề kiểm toán trung hạn (trong 2 năm tiếp theo) để thực hiện kiểm toán khi thấy đủ điều kiện. 

Bên cạnh đó, chủ đề kiểm toán phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và phù hợp với điều kiện về thời gian, nhân sự của đơn vị. Các chuyên đề cần được quan tâm đúng mức, bố trí thời gian hợp lý, ưu tiên chọn các kiểm toán viên có kinh nghiệm, năng lực để phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan công tác kiểm soát nội bộ, rủi ro và trọng yếu kiểm toán làm cơ sở xác định trọng tâm, nội dung, phạm vi kiểm toán.

Đưa ra giải pháp cho việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, ông Đào Văn Dũng cho rằng, việc lựa chọn chủ đề phải phân ra thành hai nhóm: nhóm một là những chủ đề ngành định hướng vĩ mô, sau đó các đơn vị đưa ra lựa chọn để thực hiện; nhóm hai là những chủ đề sát với thực tiễn mà các đơn vị chắc chắn có thể tự thực hiện được, khi ấy chuyên đề sẽ được giao hẳn cho một đơn vị thực hiện. Để lựa chọn được các chủ đề thiết thực, trước hết, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm cần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Theo đó, KTNN phải dành thời gian, nhân lực và có lộ trình hợp lý để tổ chức thu thập, nắm bắt thông tin qua phương tiện đại chúng, thông tin trong nội ngành, từ đó nghiên cứu, xác định những vấn đề, chủ đề riêng cho các cuộc KTCĐ.

Cũng liên quan đến vấn đề thu thập thông tin, đại diện KTNN chuyên ngành VI kiến nghị: Các đơn vị kiểm toán cần tăng cường việc thu thập thông tin trực tiếp (thông qua văn bản khảo sát, thu thập thông tin và thực hiện khảo sát trực tiếp tại các đơn vị, đầu mối được dự kiến kiểm toán) để đảm bảo chủ đề được lựa chọn có tính khả thi cao. Với nguồn lực và thời gian có hạn, các cuộc KTCĐ không thể kỳ vọng thực hiện được những lĩnh vực rộng lớn mà phải xác định phạm vi phù hợp, đi vào trọng tâm, kiểm toán theo từng chuyên đề nhỏ, chia thành nhiều "lát cắt" để đánh giá sâu các vấn đề.

Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán của mình, đại diện KTNN khu vực I đưa ra ví dụ cụ thể: Tại cuộc kiểm toán "Chuyên đề xác định giá trị DN và thực hiện cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2013-2017", qua khảo sát và nắm bắt thực tiễn, Đoàn kiểm toán của khu vực I đã xác định phải đi sâu vào vấn đề đất đai trong cổ phần hóa (CPH). Trong đó, tập trung kiểm toán việc định giá đất, quản lý đất, phương án sử dụng đất trước và sau CPH. Cuộc kiểm toán này đã đạt được những kết quả kiểm toán mang tính chuyên sâu về công tác quản lý đất đai trong CPH, từ đó đưa ra được các kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách…

Phần lớn các đại biểu tại Tọa đàm đều nhất trí: Để lựa chọn được những chủ đề kiểm toán chuyên sâu và đạt kết quả cao, mỗi KTNN khu vực và chuyên ngành cần đầu tư nghiên cứu để có những định hướng cụ thể giúp cho các cuộc KTCĐ ngày càng phát huy đúng giá trị của mình.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201