Thứ Bảy, 20/4/2024 - 13:22:38 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tổ chức đoàn kiểm toán chuyên đề: Mô hình nào sẽ hợp lý và hiệu quả?

THỨ SÁU, 30/11/2018 09:25:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Lựa chọn mô hình đoàn kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) là một trong những nội dung được các đại biểu rất quan tâm tại buổi Tọa đàm khoa học “Tổ chức KTCĐ của KTNN - Thực trạng và giải pháp” vừa qua.

Kiểm toán viên nhà nước tại thực địa - Ảnh: Tư liệu
 
Hai mô hình tổ chức đoàn kiểm toán chuyên đề

Trên thực tế, những năm gần đây, KTNN đã thử nghiệm nhiều cách thức tổ chức KTCĐ, tùy thuộc vào chủ đề kiểm toán cũng như các nguồn lực liên quan. Về cơ bản, các cuộc KTCĐ có hai phương thức tổ chức như sau: 

Một là, mô hình đoàn kiểm toán lồng ghép: Giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện lập đề cương kiểm toán, chủ trì kiểm toán tổng hợp tại các Bộ, ngành và là đầu mối tổng hợp kết quả kiểm toán của toàn Ngành. Các đơn vị khác sẽ thực hiện lồng ghép nội dung chuyên đề vào các cuộc kiểm toán tiền và tài sản tại các Bộ, ngành hoặc cuộc kiểm toán ngân sách tại các địa phương. Kết quả kiểm toán của các đơn vị thực hiện kiểm toán lồng ghép sẽ lập thành phụ lục riêng trong báo cáo kiểm toán (BCKT) ngân sách Bộ, ngành, địa phương và chuyển cho đơn vị đầu mối để tổng hợp, lập BCKT chuyên đề của toàn Ngành. Ví dụ, cuộc kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và kiểm toán về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn quốc.

Hai là, mô hình đoàn kiểm toán tập trung: Thường áp dụng đối với những cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phức tạp, mang tính chất toàn ngành,... tổ chức thực hiện theo phương án chỉ thành lập một đoàn, dưới sự chỉ đạo tập trung của một đơn vị KTNN về chuyên môn, nghiệp vụ. Với mô hình này, công tác chỉ đạo thực hiện sẽ thống nhất, xuyên suốt quá trình kiểm toán. Ví dụ: Cuộc KTCĐ về công tác phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, mỗi cách thức tổ chức thực hiện đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tùy theo đặc điểm, quy mô, tính chất từng cuộc kiểm toán, các đơn vị chủ trì sẽ lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp. 

Ưu điểm của mô hình đoàn kiểm toán lồng ghép là hạn chế tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giảm bớt áp lực cho các địa phương, song lại hạn chế thời gian, nhân lực cũng như giảm sự tập trung, chuyên sâu trong việc chỉ đạo hoạt động kiểm toán. Các nội dung kiểm toán không được đi sâu dẫn đến kết quả kiểm toán không cao.

Theo đánh giá của Vụ Pháp chế, với mô hình lồng ghép, quá trình KTCĐ thường bị ảnh hưởng bởi cuộc kiểm toán chính. Trưởng đoàn cũng thường ít quan tâm hơn đến KTCĐ, thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, dễ dẫn tới sự thiếu nhất quán trong các ý kiến đánh giá nhận xét, gây trở ngại cho công tác tổng hợp kết quả kiểm toán chung cũng như khó tham mưu kịp thời cho lãnh đạo KTNN khi có những bất cập, vướng mắc. 

Với mô hình đoàn kiểm toán tập trung, kết quả và chất lượng kiểm toán thường cao hơn do được các đoàn kiểm toán chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất ở đây là dễ xảy ra tình trạng trùng lặp đầu mối kiểm toán (đơn vị được kiểm toán). Chẳng hạn, nếu cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu Xây dựng nông thôn mới được áp dụng theo mô hình này thì dễ dẫn đến khả năng có hai đoàn cùng thực hiện kiểm toán tại một huyện… 

Bên cạnh đó, với quy mô đoàn quá lớn, mô hình tập trung đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đoàn phải được thực hiện thường xuyên, sâu sát; khối lượng công việc nhiều nên công tác tổng hợp BCKT mất nhiều thời gian.  

Nhiều đại biểu thống nhất quan điểm: không có một phương án nào phù hợp cho tất cả các cuộc KTCĐ, vì vậy, đơn vị được giao chủ trì cần sớm xác định cách thức tổ chức cuộc kiểm toán theo mô hình nào. 

Nhiều ý kiến ủng hộ mô hình đoàn kiểm toán tập trung

Lựa chọn mô hình tổ chức đoàn kiểm toán phù hợp là một trong những yếu tố tạo nên thành công của các cuộc KTCĐ. Để xác định các vấn đề, chủ đề theo mô hình lồng ghép hay tập trung, nhiều ý kiến cho rằng KTNN cần phải nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan đến chuyên đề, phạm vi, tính chất, yêu cầu của cuộc kiểm toán, nguồn nhân lực hiện có, cũng như các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn triển khai kiểm toán; phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của mỗi mô hình, từ đó lựa chọn phương án kiểm toán tối ưu, hiệu quả cao nhất. 

Theo đề xuất của KTNN chuyên ngành III, trong khả năng có thể, nếu bố trí các đoàn kiểm toán theo mô hình tập trung thì chất lượng kiểm toán sẽ đồng bộ và hiệu quả hơn. Đơn vị được giao chủ trì phải chịu trách nhiệm kiểm toán tổng hợp tại các Bộ, ngành và tại một số đơn vị lớn. Việc phân chia các đơn vị thực hiện cần căn cứ vào khả năng đáp ứng của từng chuyên ngành, khu vực. Phần nội dung được phân giao cho các KTNN chuyên ngành, khu vực còn lại có thể thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán của đơn vị, tuy nhiên phải bám sát đề cương kiểm toán đã ban hành để thống nhất thực hiện.

Đối với các cuộc KTCĐ có thể thực hiện ở nhiều KTNN chuyên ngành, khu vực và có tính chất tương đối độc lập (vì nội dung chuyên đề phụ thuộc vào quá trình quản lý điều hành của các địa phương, Bộ, ngành, tổng công ty), KTNN có thể tổ chức các cuộc kiểm toán riêng rẽ tại từng địa phương, đơn vị do các KTNN chuyên ngành, khu vực quản lý. Trong trường hợp đó, lãnh đạo KTNN cần phải giao Vụ Tổng hợp thực hiện tổng hợp kết quả KTCĐ.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện KTNN chuyên ngành II cũng cho rằng: KTNN cần đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán, tăng cường thực hiện theo mô hình kiểm toán tập trung đối với các cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi toàn Ngành nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo và trong các kết luận, kiến nghị kiểm toán, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kết quả kiểm toán chung của toàn Ngành. 

Ủng hộ phương án tổ chức đoàn KTCĐ theo mô hình tập trung, nhưng đại diện KTNN khu vực X vẫn lưu ý một số vấn đề. Đó là: Với mô hình tập trung, lãnh đạo đoàn kiểm toán cần sát sao hơn trong việc chỉ đạo, kiểm soát chất lượng; kịp thời đánh giá, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Công tác thông tin báo cáo phải thường xuyên liên tục, thông suốt, phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ kiểm toán.

Tổ chức đoàn nên có sự tham gia của các kiểm toán viên thuộc đơn vị phụ trách địa bàn để đảm bảo việc kiểm toán được triển khai thuận lợi, có sự am hiểu về địa phương. Đoàn kiểm toán cũng cần phối kết hợp chặt chẽ với các KTNN khu vực để đảm bảo thu thập đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình kiểm toán. Cần thành lập các tổ kiểm toán thực hiện nhiệm vụ tại một số đơn vị có đặc điểm tương đồng để việc tổng hợp đánh giá được dễ dàng, đồng thời có cái nhìn sâu sắc và tiết kiệm thời gian tiếp cận. Trước khi kiểm toán, đoàn nên trao đổi thông tin với địa phương, đơn vị để nắm bắt thông tin và tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức thực hiện. Do không kiểm toán theo cách thức truyền thống, đoàn cũng cần chuẩn bị trước hồ sơ mẫu biểu; giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc của đơn vị khi hồ sơ, tài liệu không theo mẫu thông thường.

Nhìn chung, các chuyên đề vẫn mang tính xuyên suốt về quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện từ cơ quan T.Ư đến địa phương, do đó, cách thức tổ chức đoàn kiểm toán phải phù hợp, phải có sự phân lớp và liên kết giữa các tổ thực hiện kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp và tại các đơn vị chi tiết.

Liên quan đến các vấn đề sau khi kiểm toán, đại diện KTNN chuyên ngành V đề nghị: Vì KTCĐ có sự tham gia của nhiều đơn vị nên cần có những đánh giá từ trưởng đoàn về những việc đã làm được và chưa làm được nhằm rút kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán tiếp theo.

ĐINH HIỀN
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201