Thứ Ba, 30/4/2024 - 03:01:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quản lý bất cập, ô nhiễm môi trường gia tăng

THỨ NĂM, 06/10/2016 08:00:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công bố đã phác họa bức tranh tổng thể môi trường Việt Nam với mối hiểm họa ô nhiễm đến từ mọi hướng: Đất, nước, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Chất lượng môi trường tiếp tục suy giảm

Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, sự phát triển kinh tế những năm qua đã tạo ra áp lực lớn đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Dân số và đô thị hóa, phát triển công nghiệp, năng lượng, xây dựng, giao thông, dịch vụ, y tế, nông nghiệp đều tạo ra sức ép không nhỏ, tác động tới tài nguyên, môi trường.
 

Chất thải từ sản xuất nông nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nông thôn nghiêm trọng  Ảnh: TS
 
Đánh giá về hiện trạng môi trường Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2015 cho thấy, ở nhiều nơi, chất lượng môi trường đang tiếp tục suy giảm. Tại các điểm, nút giao thông, công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tiếp tục xảy ra ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề). Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung...

Đặc biệt, thời gian vừa qua cũng xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung, sự cố tràn dầu do chìm tàu Trường Hải Star; sự cố bục lò đốt chất thải của Công ty Cổ phần phốt pho vàng Lào Cai; vụ cháy lò than tại Công ty Than Đồng Vông thuộc Công ty Than Uông Bí (Quảng Ninh); vụ xả thải của Nhà máy Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) gây ô nhiễm sông Bưởi...

Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập

Ô nhiễm môi trường không chỉ đe dọa đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội. Theo ước tính của các tổ chức khoa học và chuyên gia kinh tế môi trường, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần, đến năm 2025 có thể tăng gấp 4 đến 5 lần mức độ hiện nay; cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.

Hậu quả từ ô nhiễm môi trường nặng nề như vậy nhưng thực tế công tác bảo vệ môi trường tại hầu hết các địa phương trên cả nước hiện còn nhiều tồn tại, bất cập. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định: Môi trường nước ta vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường…

Đồng quan điểm, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho rằng: Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường trong thời gian tới, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 cũng đã kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn để quản lý và bảo tồn; nghiên cứu xây dựng Luật Không khí sạch. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Bên cạnh đó, trước thực trạng gia tăng những sự cố ô nhiễm môi trường, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, cơ quan này đang tiến hành lập danh sách khoảng 20% nhóm đối tượng gây ra 70-80% vấn đề ô nhiễm môi trường để khoanh vùng giám sát. Ngoài ra, thời gian tới, Bộ TN&MT cũng sẽ triển khai thanh tra diện rộng nguồn thải từ 200 m3 trở lên đổ ra sông ra biển để tập trung xử lý.
 
HOÀNG LONG 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201