Thứ Sáu, 29/3/2024 - 13:55:08 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ứng dụng công nghệ: Đòn bẩy để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

THỨ BA, 25/10/2022 20:45:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh mang lại, cũng như tác động xấu của biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững là định hướng được Chính phủ chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện với giải pháp trọng tâm là triển khai “số hóa” trong nông nghiệp.


Một nhà vườn trồng hoa ở huyện Văn Giang áp dụng cách thức trồng có sử dụng công nghệ. Ảnh: N.LỘC


Còn nhiều thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh

Ngoài các mô hình trồng hoa, rau xanh công nghệ cao toàn phần, khép kín, nhiều hộ nông dân tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đang áp dụng công nghệ từng phần vào sản xuất nông nghiệp như tưới tiết kiệm; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu... Nhờ những đổi mới này, hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân tại đây ngày càng thuận lợi, cho thu nhập cao.

Theo lãnh đạo huyện Văn Giang, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của địa phương, do đó, huyện chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất hoa, cây cảnh trên cơ sở đầu tư ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đặc biệt là công nghệ sản xuất giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật trồng, chăm sóc trong nhà lưới, nhà kính; trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap cho giá trị kinh tế cao, ít tác động đến môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại huyện Văn Giang cũng gặp nhiều thách thức như chi phí gia tăng, nhiều hộ dân chưa mạnh dạn tham gia chuyển đổi… khiến tác động của chuyển đổi chưa được như mong đợi. Đây cũng là thực trạng chung ngành nông nghiệp nhiều địa phương đang gặp phải.
 

Ứng dụng khoa học, công nghệ được kỳ vọng tạo ra bước đột phá để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: N.LỘC 


Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời, cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, đó là “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh như: Đất đai manh mún, khó hình thành hình thức sản xuất khép kín, tập trung, quy mô lớn; Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; chưa thu hút được nhiều nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh… Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quy trình của ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã trao đổi rõ hơn về những khó khăn này, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục, trong đó nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi, số hóa trong nông nghiệp. 

Theo Chủ tịch VCA Nguyễn Ngọc Bảo, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế thế giới và khu vực phục hồi chậm, nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại; biến động thế giới là những thách thức không lường, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp… “Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn, toàn ngành nông nghiệp, các hợp tác xã (HTX) phải chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất bền vững, xanh hóa” - ông Bảo nhấn mạnh.

Điểm lại các nội dung đáng chú ý của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển nông nghiệp, các chuyên gia cũng cho biết, trên cơ sở nhận diện rõ những thách thức để phát triển nông nghiệp bền vững, Văn kiện đã đề cập đến hàng loạt giải pháp, trong đó nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là trọng tâm ngành nông nghiệp cần thực hiện để tạo sự chuyển biến. Đây là cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra, trong đó có việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào nông nghiệp.
 
Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5-3%/năm. Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học...

Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp

Nhấn mạnh chuyển đổi phát triển xanh trong nông nghiệp, sử dụng công nghệ cao là xu hướng toàn cầu, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, đây không chỉ là giải pháp để đối phó trong bối cảnh hậu đại dịch, mà còn có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp – ngành kinh tế quan trọng của nước ta.

Đưa ra khuyến nghị về vấn đề này, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam nhấn mạnh, đối với phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, cần xây dựng chiến lược số hóa trong nông nghiệp liên kết với chương trình nông thôn mới; hỗ trợ ưu đãi cho hộ dân quy mô nhỏ; thúc đẩy nền kinh tế liên kết trong chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho hộ nông dân sản xuất nhỏ về công nghệ mới…
 

Một mô hình trồng rau trong nhà kính, theo quy trình khép kín. Ảnh tư liệu


Khẳng định giải pháp ứng dụng công nghệ cao sẽ mang lại những đột phá quan trọng cho phát triển nông nghiệp bền vững, TS. Chu Tiến Đạt - Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế (VCA) cho biết, 1 trong 5 chương trình hành động quan trọng của VCA giai đoạn 2022-2025 là đẩy mạnh xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực trên cơ sở mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển HTX hiệu quả bền vững. “Ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm chất lượng cao là xu thế tất yếu, không chỉ hướng đến xuất khẩu mà còn bảo vệ, phát triển thị trường trong nước” – TS. Đạt cho biết.

Dẫn chứng về lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, các cơ sở quy mô nhỏ, vừa hiện chiếm 97%, PGS,TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch lưu ý cơ quan quản lý cần tập trung phát triển chế biến với công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ. “Nếu quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và HTX thì chúng ta có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến” - ông Tuấn nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, các HTX, nhà nông cần tăng cường liên kết; doanh nghiệp cần tích cực đầu tư và công nghệ phù hợp để gia tăng giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm trong và sau thu hoạch.

Còn theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi Nguyễn Trung Việt, để đối phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp cũng đã và đang tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, những biện pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới như: cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; đẩy mạnh sản xuất tập trung, quy mô lớn với sự tham gia của yếu tố khoa học, công nghệ../. 

NGUYỄN LỘC
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201