Thứ Ba, 30/4/2024 - 01:20:26 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Lo ngại ô nhiễm môi trường từ doanh nghiệp FDI

THỨ NĂM, 16/06/2016 11:45:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO)-Có đến 60% các DN đầu tư nước ngoài (FDI) xả thải vượt quy chuẩn; trong đó có 23% DN xả vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Đây là những con số đáng báo động khi nhiều tỉnh, thành trải thảm thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá nhưng yếu tố môi trường lại không hề được tính tới.


Các DN FDI đang tìm cách né tránh việc xử lý nước thải công nghiệp, đặc biệt là xử lý màu thuốc nhuộm vải. Ảnh: TK  
 
“Nhập khẩu” ô nhiễm

Từ những năm 1990, thực hiện đường lối phát triển mới, Việt Nam đã tích cực tham gia các tiến trình quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính tới thời điểm hiện tại, thông qua các hiệp định kinh tế đã được ký kết, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế trên thế giới và trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong hội nhập và mở rộng thương mại. Với việc Việt Nam tham gia các FTA, dệt may, da giày, gỗ, sản xuất linh kiện điện tử… là những ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, trong số các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam, thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất lại là các dự án liên quan đến lĩnh vực trên.

Ông Đỗ Thanh Bái - Hội hóa học Việt Nam cho biết: những ngành sản xuất trên được xếp hạng trong danh sách các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất do sử dụng nhiều hóa chất độc hại, khó xử lý, chi phí lại cao. Cụ thể, với ngành da giày, xử lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc; ngành điện tử cũng có nhiều khâu gây ô nhiễm môi trường như lắp ráp, chế tạo bản mạch, linh kiện, thu hồi kim loại quý từ phế phẩm và chất thải. Ngành dệt may thì đáng ngại nhất là nước thải công nghiệp. Theo ông Bái, lợi dụng nhận thức của Việt Nam về thuốc nhuộm chưa đầy đủ nên các nhà đầu tư dệt may tìm cách né tránh việc xử lý nước thải, nhất là xử lý về màu. Với ngành gang thép nếu xét từ khai thác, xử lý quặng, phải luyện cốc thì ô nhiễm môi trường rất lớn.

Theo số liệu đánh giá về tình hình tuân thủ chính sách pháp luật bảo vệ môi trường của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện trong năm 2015 cho thấy những con số đáng báo động: Có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 60% tổng số các DN FDI xả thải vượt quy chuẩn (trong đó có 23% DN xả vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần). Đáng chú ý hơn nữa, có tới gần 70% DN FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm từ 10 - 50% chi phí về môi trường so với đầu tư ở nước họ.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nhấn mạnh: Chúng ta đang chạy theo thành tích tăng trưởng GDP nên dễ dãi trong thu hút FDI, “nhập khẩu” ô nhiễm vào Việt Nam. Nhiều dự án FDI hiệu quả thấp, chỉ sử dụng tài nguyên và lao động giá rẻ nhưng vẫn nhận được nhiều ưu đãi của các tỉnh về giá đất, nước, tài nguyên, thậm chí hạ thấp tiêu chuẩn môi trường đối với dự án thuộc lĩnh vực nhuộm, luyện kim...

Đòi hỏi thay đổi động cơ thu hút FDI

Hiện mỗi năm Việt Nam bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tương đương với 2,5% GDP. Nếu với đà ô nhiễm môi trường như hiện nay, chẳng bao lâu hệ số ô nhiễm môi trường của Việt Nam cũng sẽ tăng lên rất cao.

Vai trò và đóng góp của DN FDI cho kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận nhưng vẫn còn đó những vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: Công ty Vedan gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải, Công ty Tung Kuang xả thải ra môi trường... Đặc biệt là nghi vấn Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây chết cá hàng loạt dọc các tỉnh ven biển miền Trung thời gian qua. Rất nhiều vụ việc đã xảy ra, nhưng vấn đề giám sát và chế tài xử lý chưa thực sự đem lại hiệu quả. Đại diện Trung tâm Thiên nhiên con người (PanNature) cho rằng: các dự án có tần số quan trắc môi trường ít nhất 4 lần/năm, do DN chủ động thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Hệ thống quan trắc tự động chỉ đo được những thông số đơn giản. Trong khi đó các hoạt động thanh tra kiểm tra nhìn chung đều theo chương trình đã được thống nhất và báo trước. Việc xử lý vi phạm cũng vô cùng khó khăn, nếu có phạt tiền DN theo quy định không đáng kể so với chi phí xử lý chất thải.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo nếu không thay đổi động lực thu hút đầu tư nước ngoài, nguy cơ Việt Nam biến thành thành bãi rác công nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với DN FDI, lợi ích trước mắt có thể thấy rõ nhưng thiệt hại lâu dài vẫn chưa tính toán được, đặc biệt là tác động về môi trường, mà điều này chỉ có Nhà nước mới can thiệp và thay đổi được. Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn chia sẻ: Cần phải có chế tài và khung rõ ràng, chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ. Tăng cường giám sát các DN FDI về tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn công nghệ đến thi công vận hành. Nhà nước phải áp đặt kiểm soát ô nhiễm không thể để DN “sung sướng” bằng lợi nhuận, còn ô nhiễm môi trường cả xã hội phải chấp nhận.
HOÀNG LONG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201