Thứ Bảy, 27/4/2024 - 13:53:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiên Giang cần chuẩn bị thật tốt khi thí điểm đón khách du lịch có “Hộ chiếu vắc xin”

CHỦ NHẬT, 27/06/2021 11:14:43 | Y TẾ
(BKTO)- Trước đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại TP. Phú Quốc theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế cho biết sẽ trình đề xuất này lên Thủ tướng Chính phủ song tỉnh Kiên Giang phải chuẩn bị mọi phương án tổ chức thật tốt, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Thí điểm đón khách du lịch có “Hộ chiếu vắc xin”

Ngày 26/6, tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện quyết liệt những chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và sự hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều biện pháp căn cơ đã được thực hiện, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”.
 

Đoàn công tác của Bộ Y tế  kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kiến Giang- Ảnh: T. Dũng

Đặc biệt, Kiên Giang có Phú Quốc là thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh và nhiều lợi thế để thu hút phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Thời gian qua Phú Quốc đã và đang phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Du lịch thực sự phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Chính phủ, với lượt khách bình quân mỗi năm tăng 28%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 45%. Nhiều thương hiệu du lịch lớn trên thế giới đã quan tâm, đầu tư tạo nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Phú Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, lượt khách du lịch năm 2020 giảm 30,6% so với cùng kỳ, khác du lịch quốc tế giảm 76,1% so với cùng kỳ.

Để từng bước khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của TP Phú Quốc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như tăng trưởng chung của cả nước trong điều kiện bình thường mới, từng bước mở cửa kết nối lại giao thương với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, UBND tỉnh kiến nghị cho phép tỉnh Kiên Giang thực hiện thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiên vắc xin phòng Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”, thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, UBND tỉnh kiến nghị cho phép Kiên Giang được tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ cư dân TP. Phú Quốc. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp nếu có.

Cần có sự chuẩn bị thật tốt

Liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc - cho biết, tỉnh đã được phân bổ 2 đợt vắc xin Covid-19. Đợt 1 tỉnh được phân bổ 18.350 liều, đã hoàn thành việc tiêm chủng. Đợt 2 tỉnh được phân bổ 27.485 liều, đã tổ chức tiêm từ ngày 18/6. Đến cuối ngày 24/6, tỉnh đã tiêm xong 24.097 liều đạt 87,67% kế hoạch.

Hiện Sở Y tế đang xây dựng Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 toàn dân cho TP. Phú Quốc, trong đó dự kiến nhu cầu vắc xin trong năm 2021 là 220.000 liều; thời gian triển khai kế hoạch dự kiến trong 16 - 18 tuần ngay khi có nguồn vắc xin được cấp về.

Ngoài ra, để chủ động triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân tỉnh Kiên Giang, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó dự kiến nhu cầu vắc xin trong năm 2021 là 2.543.858 liều; nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Thời gian triển khai kế hoạch dự kiến trong 16 - 18 tuần hoặc triển khai theo từng đợt tuỳ theo nguồn cung ứng vắc xin.

Tại cuộc làm việc, trên cơ sở báo cáo của địa phương và ý kiến đánh giá của các đơn vị Vụ, Cục, Bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: Chủng virus mới (Delta) có thời gian lây truyền nhanh, mức độ lây nhiễm phức tạp. Hiện nay, các ca bệnh đã xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, bao gồm: cơ sở tôn giáo, cơ sở điều trị, trong cộng đồng, nhà máy xí nghiệp, trung tâm thương mại, các chợ, đặc biệt ở đối tượng bán hàng rong, bán vé số,… Như vậy, trước khi tình hình phức tạp hơn cần chủ động và quyết liệt các biện pháp để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đối với kiến nghị thí điểm đón khách du lịch đã được tiên phòng Covid-19 đến TP. Phú Quốc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để đón khách du lịch ở huyện đảo Phú Quốc. Việc dần dần hồi phục mũi nhọn du lịch tại Phú Quốc sẽ đóng góp vào nguồn ngân sách, đóng góp nguồn lực để vừa chống dịch vừa phát triển xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

“Bộ Y tế sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vắc xin Covid-19 đến Phú Quốc và tiêm vắc xin cho người dân tại đây. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mọi phương án tổ chức cần phải có kế hoạch tốt” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mọi công tác chuẩn bị cho chủ trương thí điểm đón khách du lịch tại Phú Quốc nói riêng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói chung trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm theo Thông báo 167/TB-VPCP kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các điểm cốt lõi, đó là: Tuyệt đối không lơ là, chủ quan khi chưa có dịch hoặc là khi dịch đã đi qua; phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, 4 tại chỗ; tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả chiến lược vắc xin, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc; sử dụng hiệu quả Quỹ vắc xin công khai, minh bạch; tiếp cận nhanh đa dạng tăng cường vắc xin nhưng không để xảy ra cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức DN trong đàm phán mua vắc xin; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực tham nhũng lãng phí trong mua vắc xin…/.

Đ. KHOA

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201