Thứ Sáu, 26/4/2024 - 01:01:48 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính phủ đề xuất tiếp tục cho phép thực hiện cơ chế đặc thù trong chống dịch

THỨ BA, 11/10/2022 08:25:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023 một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết số 30) về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH


Cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30, tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.

Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vắc xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Đến nay, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc trong dư luận. Một số chính sách triển khai theo Nghị quyết 30 còn chậm được thực hiện.

Trong thời gian đầu của đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống quản lý, năng lực quản lý các cấp. Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Việc triển khai một số quyết sách như giãn cách xã hội, xét nghiệm phát hiện người nhiễm còn chậm, chưa nghiêm..

Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng tại một số nơi chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu. Tại một số thời điểm xảy ra tình trạng người dân điều trị tại nhà khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 do chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy định.

Đặc biệt, một số đơn vị, địa phương chưa chủ động thực hiện việc đầu thầu, mua sắm do tâm lý lo ngại dẫn đến thiếu thuốc tại một số thời điểm, một số cơ sở y tế, địa phương.

Bên cạnh đó, một số thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị Covid-19...

Đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù, đặc cách

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VQPH


Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31/12/2023 nhằm tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30.

Đồng thời, tiếp tục cho phép áp dụng khám, chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Trong đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn; cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.

Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ...

Dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, UBTVQH ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30./.

Đ. KHOA
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201