Thứ Năm, 02/5/2024 - 16:43:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm soát, điều chỉnh chi phí Bảo hiểm y tế

THỨ TƯ, 11/04/2018 08:25:00 | Y TẾ
(BKTO) - Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi vượt 18% số được sử dụng; 63/63 tỉnh, thành sử dụng vượt Quỹ KCB BHYT; vật tư y tế mỗi nơi một giá… Thực trạng này đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần có những giải pháp quyết liệt nhằm tập trung điều chỉnh những bất hợp lý trong giá dịch vụ y tế, đảm bảo hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT.

Chi vượt Quỹ, áp giá sai các dịch vụ

Thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHYT trong 2 tháng đầu năm 2018, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT - cho biết, 2 tháng đầu năm, Quỹ BHYT đã chi trả 24,775 triệu lượt KCB, trong đó, số lượt ngoại trú chiếm 91%, nội trú chiếm 9%. Tổng số tiền chi trả là 12.577 tỷ đồng - vượt khoảng 18% Quỹ KCB BHYT được sử dụng. Trong số này, chi ngoại trú chiếm khoảng 40,3%, số chi nội trú chiếm khoảng 59,7%. Ước hết tháng 3/2018, số chi KCB BHYT chiếm 23% trên tổng dự toán chi KCB BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018. 

Dữ liệu trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam cho thấy, 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt Quỹ KCB BHYT. Trong đó, 9 địa phương có tỷ lệ sử dụng vượt Quỹ KCB khoảng 30% như: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long. Theo ông Lê Văn Phúc, tỷ lệ gia tăng này là tương đối cao. Qua xem xét cho thấy, chi phí bình quân điều trị nội trú không tăng so với năm trước, song một số địa phương vẫn có tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú rất cao. 

Đáng chú ý, theo khảo sát của BHXH Việt Nam, vẫn có trường hợp người bệnh phải chi trả những khoản chi phí trong danh mục được thanh toán của BHYT. Tình trạng thu thêm những khoản trong danh mục được BHYT chi trả vẫn diễn ra tại một số cơ sở y tế. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh yêu cầu các bệnh viện công khai việc thu BHYT, giá dịch vụ và danh sách những dịch vụ, vật tư, thuốc nằm trong và ngoài danh mục được BHYT chi trả để người dân giám sát. 

Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh giá BHYT hiện nay chưa thực sự chuẩn xác, điều này dẫn đến việc chi phí thanh toán cao hơn so với mức thực tế của dịch vụ y tế. Đơn cử, khi xây dựng giá, mỗi giường bệnh có 1 bác sỹ, 3 điều dưỡng nhưng qua khảo sát quá trình thực hiện, nhiều cơ sở không thực hiện đúng quy định này. Ngoài ra, giá xây dựng định mức cao hơn rất nhiều so với giá thực tế. Nhiều thứ hiện nay không dùng nhưng các bệnh viện vẫn tính vào tiền giường cho bệnh nhân. Theo cơ cấu giá, tất cả các bệnh viện hạng 2 trở lên các phòng đều có điều hòa nhưng nhiều nơi không có; các khoa về tai, mũi, họng khi xây dựng bảng giá thì kê khai loại máy móc hàng trăm triệu đồng nhưng thực tế lại chỉ dùng loại vài chục triệu để KCB. “Đây là những bất cập thấy rõ tại các cơ sở KCB hiện nay và BHXH Việt Nam sẽ có những khảo sát cụ thể về vấn đề này trong thời gian tới” - ông Phúc khẳng định.

Hoàn thiện chính sách để tiết kiệm chi phí

Để kiểm soát chi phí y tế một cách hiệu quả trong năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ cùng Bộ Y tế tập trung điều chỉnh Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Trước mắt sẽ điều chỉnh những dịch vụ bất hợp lý trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện như: dịch vụ về giường bệnh, khám bệnh, xét nghiệm y học cổ truyền, phục hồi chức năng và một số dịch vụ nội soi tai, mũi, họng để điều chỉnh giảm. Theo kế hoạch, Thông tư sửa đổi này sẽ ban hành trong tháng 5/2018.

Đồng thời, cơ quan BHXH cũng sẽ cùng Bộ Y tế hoàn thiện xây dựng sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BHYT, xây dựng thông tư về đấu thầu vật tư y tế. “Thời gian qua, giá vật tư y tế có sự khác biệt lớn giữa các địa phương mặc dù đã tiến hành đấu thầu. Chẳng hạn, cùng một tên thuốc của cùng một nước sản xuất, có nơi 58 triệu đồng, có nơi 45 triệu đồng, thậm chí chưa đến 40 triệu đồng. Hay kim luồn tĩnh mạch, có những nơi giá 13.000 đồng/cái nhưng có nơi chỉ 5.000 - 7.000 đồng/cái. Do đó, nếu đưa được về giá chính xác thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí lãng phí không cần thiết” - ông Phúc phân tích.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu một số loại vật tư y tế có dải giá rộng và có mức giá khác nhau như: stent, thủy tinh thể nhân tạo, khớp gối nhân tạo để giảm chi phí; rà soát Thông tư số 40/2014/TT-BYT về danh mục thuốc, loại bỏ bớt những thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị; Thông tư số 11/2016/TT-BYT về đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế công lập để đảm bảo việc mua sắm thuốc hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm 10 - 15% giá thuốc; sửa đổi lại quy trình giám định để giám sát chặt chẽ hơn, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt là công tác KCB BHYT.

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201