Thứ Hai, 29/4/2024 - 16:29:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hen phế quản và cách phòng ngừa hiệu quả

THỨ TƯ, 12/12/2018 09:05:00 | Y TẾ
(BKTO) - Ngày 09/12, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh hen phế quản. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Hen toàn cầu năm 2018 với chủ đề “Never too early, Never too late” (Không bao giờ là quá sớm- Không bao giờ là quá muộn), trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án Phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Không thể chủ quan với hen phế quản

Trong ngày 09/12, mặc dù thời tiết lạnh và mưa nhưng rất nhiều bệnh nhân hen phế quản ở khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã tới Bệnh viện Bạch Mai để khám, tư vấn và được phát thuốc miễn phí. Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh hen phế quản.
 

Bệnh nhân hen phế quản làm thủ tục khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai  - Ảnh: Lê Hòa

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm đã rất đông bệnh nhân xếp phiếu khám. Người dân tới khám được các bác sỹ của Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp và phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc hen phế quản. Để phục vụ bệnh nhân đến khám, Bệnh viện đã bố trí 20 bàn khám, trong đó, có 3 bàn khám cho bệnh nhi. Chỉ tính riêng buổi sáng đã có hơn 600 lượt người đăng ký đến khám và tư vấn miễn phí.

Bác Ngô Xuân Thành, 73 tuổi (Phú Xuyên, Hà Nội) một bệnh nhân hen lâu năm chia sẻ: Mỗi khi thay đổi thời tiết, tôi bị khó thở và không làm được việc gì. Tôi đọc trên báo thấy thông tin và tới đăng ký khám. Các bác sĩ rất tận tình, chu đáo. Những người mắc hen tốt nhất phải đi khám định kỳ, để các bác sĩ có thể tư vấn thuốc điều trị dự phòng, dễ dàng kiểm soát cơn hen.

Bà Bùi Thị Hòa, 64 tuổi (Sơn La) cho biết, bà bị hen từ năm 24 tuổi và khi được điều trị dự phòng bệnh đã đỡ nhiều. Trước đây không có điều kiện đi khám, tôi chỉ tự mua thuốc điều trị. Sau này được khám tư vấn và phát thuốc miễn phí tại đây nên bệnh đã đỡ hơn nhiều không còn xuất hiện các cơn hen như trước. Trong 4-5 năm qua, khi bệnh viện tổ chức khám và tư vấn miễn phí tôi đều ra khám.

Một trường hợp khác, bé Nguyễn Khánh An, 12 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) mắc hen phế quản từ năm 4 tuổi. Suốt 6 năm chung sống với căn bệnh này, trong cặp sách của Khánh An không chỉ có đồ dùng học tập mà còn có cả hộp thuốc hen. Số ngày Khánh An phải nghỉ học ở nhà vì hen phế quản cũng tăng lên theo thời gian, đặc biệt là vào mùa thu- đông.

Sai lầm trong điều trị khiến bệnh càng trầm trọng

Trên thế giới ước tính hiện có khoảng 300 triệu người mắc hen. Con số này đến năm 2025 là 400 triệu người. Mỗi năm thế giới có khoảng 250.000 người chết vì hen. Phần lớn con số này có thể phòng ngừa được nếu như bệnh nhân phát hiện bệnh hen sớm được điều trị đủ, đúng và kịp thời. Theo kết quả điều tra năm 2010 đến hết 2011, tỷ lệ hen phế quản tại Việt Nam là trên 3,9%, khoảng 320.000 người mắc hen.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) Phạm Huy Thông chia sẻ, trong 5 năm qua, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám và tư vấn miễn phí hàng năm cho bệnh nhân hen. Trung bình mỗi năm, có khoảng 800- 1.300 bệnh nhân đến khám. Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 2 đợt khám, trong đó, đợt khám hồi tháng 5 vừa qua có hơn 1000 lượt bệnh nhân hen đến khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí.

Theo bác sĩ Thông, hen không phải là bệnh bẩm sinh, nhưng hen có liên quan đến yếu tố di truyền. Do đó một số gia đình nếu ông bà hoặc bố mẹ bị hen, trẻ con khi sinh ra cũng có thể bị hen. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen, nhưng nguyên nhân chính đó là dị nguyên. Trong đó, chia làm hai nhóm nhóm dị nguyên nhiễm khuẩn và dị nguyên vô khuẩn. Nhóm dị nguyên vô khuẩn có rất nhiều loại như bụi nhà, phấn hoa, lông động vật nuôi... Nhóm dị nguyên nhiễm khuẩn có thể là virus hoặc là vi khuẩn. Ngoài ra còn một số yếu tố gây bệnh như khói bụi công nghiệp, khói bụi đường phố, các loại hóa chất có mùi mạnh như hóa chất diệt côn trùng, thậm chí là nước hoa có mùi mạnh....
 

Bệnh nhân được đo lưu lượng đỉnh kế - Ảnh: Lê Hòa

Cũng theo bác sĩ Phạm Huy Thông, về điều trị bệnh hen đối với trẻ em nhỏ tuổi, bệnh có thể ổn định trong giai đoạn tuổi thành niên. Theo đó, phần lớn những trẻ em bị hen khi đến tuổi vị thành niên bệnh ổn định và không phải dùng thuốc. Như vậy, nhóm này người ta coi như đã chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân có thể bị lại khi về già.

Với các bệnh nhân hen người lớn, đến nay trên thế giới chưa có biện pháp nào để chữa bệnh triệt để. Hầu hết các bệnh nhân hen người lớn phải điều trị bằng cách kiểm soát hen, tức là sử dụng các loại thuốc điều trị dự phòng hen để người bị bệnh vẫn có cuộc sống bình thường. Nhưng khác với những người không bị hen người bị bệnh hàng ngày phải sử dụng thuốc điều trị dự phòng tùy theo mức độ nặng hay nhẹ.

Qua thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Phạm Huy Thông đã chỉ ra một số sai lầm của bệnh nhân trong điều trị hen đó là đi khám không đều, mỗi năm chỉ 1 lần hoặc có không ít bệnh nhân điều trị một đợt thấy ổn nên không đi khám lại. Trong khi theo khuyến cáo, đối với bệnh nhân hen, mỗi năm phải đi thăm khám ít nhất là 3-4 lần, để bác sĩ thăm khám và điều chỉnh liều dự phòng, điều trị cho phù hợp với tình trạng bệnh lúc đó. Đặc biệt, luôn mang thuốc bên người để đề phòng trường hợp xuất hiện cơn hen đột ngột.

Sai lầm tiếp theo ở người bệnh hen khi điều trị là không chú ý đến môi trường sống quanh mình. Nhiều trường hợp người bệnh hen tái khám rất đều đặn, kỹ thuật dùng thuốc đúng nhưng bệnh vẫn không được kiểm soát tốt. Sau khi tìm hiểu kỹ về tác nhân gây hen thì được biết, nhà của không ít bệnh nhân dùng than tổ ong, nuôi chó, mèo, thường xuyên cắm hoa... Trong khi đó, bệnh hen thường nặng hơn khi tiếp xúc với dị nguyên như môi trường khói bụi, phấn hoa, hóa chất, mùi than tổ ong... Chính những sai lầm trên đã khiến cho nhiều bệnh nhân hen bị bệnh nặng thêm, điều trị thêm khó khăn và kéo dài.
 
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, những người có ít nhất một trong các yếu tố sau cần đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm và dự phòng, điều trị sớm bệnh hen như: Khó thở, thở khò khè, ho, nặng ngực, khó thở về đêm, khó thở khi thay đổi thời tiết. Bản thân và gia đình đã từng mắc các bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng (Chàm, Mày đay, Hen phế quản, Dị ứng thức ăn…
 
LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201