Thứ Sáu, 26/4/2024 - 02:21:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tìm giải pháp cho du lịch Việt “cất cánh”

THỨ BA, 11/12/2018 11:00:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, công tác quảng bá, giới thiệu du lịch kém hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo... là những nguyên nhân khiến hiệu quả khai thác du lịch nhiều năm qua chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch.

Hiệu quả thấp do thiếu kinh phí hay cách làm kém?

Trên thực tế, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong vài năm gần đây song đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo Nghị quyết số 08-NQ/TW đang gặp phải nhiều thách thức. 

Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra sáng 05/12 tại Hà Nội, những rào cản, thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch được các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung vào các vấn đề về cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch Việt Nam, nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Qua câu chuyện tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế tháng 9/2018 tại TP. HCM, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, so với gian hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..., gian hàng của Việt Nam không khác mọi năm, quy mô hạn chế, kém đặc sắc về nội dung. 
Đại diện Tổng cục Du lịch lý giải rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do nguồn kinh phí cấp cho quảng bá, xúc tiến du lịch quá thấp, không đủ sức cạnh tranh. Cụ thể, ngân sách để tiếp thị du lịch của Việt Nam vào khoảng 2 triệu USD mỗi năm, chỉ bằng 2,9% so với Thái Lan, 2,5% so với Singapore và 1,9% so với Malaysia. Để khắc phục khó khăn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch nhằm có thêm nguồn vốn đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch. “Mặc dù đã được đề cập trong Luật Du lịch năm 2005 nhưng hơn 10 năm qua, Quỹ vẫn chưa thể thành lập do thiếu cơ chế, hành lang pháp lý” - đại diện Tổng cục Du lịch cho biết.   

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc nguồn quỹ nhiều hay ít chưa thực sự quan trọng bằng cách quảng bá và xúc tiến có chuyên nghiệp hay không. “Chúng ta đã sử dụng có hiệu quả con số 2 triệu USD mỗi năm hay chưa?” - ông Bình đặt câu hỏi và cho rằng, nhiều hạng mục quảng bá hiệu quả, tiết kiệm chi phí lại đang bị bỏ quên, đó là ứng dụng công nghệ, tận dụng các kênh mạng xã hội... 

Trong khi đó, ông Võ Anh Tài (Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist) lại cho rằng, điểm đến Việt Nam đang kém cạnh tranh về giá, tính thuận lợi và hấp dẫn, nguyên nhân là do thiếu liên kết giữa các vùng miền, các sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo. Những hạn chế này nếu không được khắc phục sẽ gây thất thu lớn cho ngành. 

Thách thức từ nguồn nhân lực

Trong khi các yếu tố thắng cảnh, chính sách ưu đãi là điều kiện cần và đủ để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam thì nguồn nhân lực du lịch lại được xếp vào nhóm yếu tố có tác động quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành. 

Tuy nhiên, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017, trong khi các chỉ số về các nguồn lực tự nhiên và văn hóa của Việt Nam được xếp khá cao trong khối ASEAN thì chỉ số về nguồn nhân lực lại rất thấp. Kết quả này đã phần nào phản ánh chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch trong những năm qua chưa thực sự được cải thiện. 

Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, hiện cả nước có 192 cơ sở tham gia giảng dạy liên quan đến lĩnh vực này. Trung bình, mỗi năm hệ thống giáo dục cho ra khoảng 20.000 sinh viên ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng thừa lao động nhưng thiếu nhân lực chất lượng. Đại diện Tổng cục Du lịch nêu dẫn chứng: Cả nước có hơn 14.800 hướng dẫn viên quốc tế và hơn 8.600 hướng dẫn viên nội địa. Nếu chia đều cho lượng khách nước ngoài vào Việt Nam (13 triệu lượt năm 2017) thì mỗi hướng dẫn viên quốc tế phải phục vụ khoảng 870 khách mỗi năm, gấp đôi so với các quốc gia khác. 

Theo TS. Trịnh Lê Anh (Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), nhân lực chất lượng cao thiếu hụt ở cả khối quản lý lẫn khối kinh doanh. Trên thực tế, nhân lực du lịch còn non yếu về nhận thức, tư duy và hành động. Việc đầu tư cho đào tạo của người học chưa thực sự hướng đích nghề nghiệp mà vẫn còn nặng về bằng cấp. 

Nhấn mạnh đến Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch giữa các nước ASEAN, TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, đây là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành du lịch giữa các nước ASEAN. “Điều này có nghĩa lao động ngành du lịch của Việt Nam có thể sang làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại. Tuy nhiên, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực cần phải được giải quyết trước khi tính đến chuyện hội nhập” - TS. Anh nhấn mạnh.
 
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam do Bộ VH,TT&DL phối hợp tổ chức trong 2 ngày (05 - 06/12), thu hút gần 1.000 DN du lịch tham gia. Trong dịp này, các nhà đầu tư sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác, đầu tư về du lịch để triển khai từ năm 2019, với tổng giá trị 2 tỷ USD, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch tăng từ 7,5% năm 2017 lên 12% năm 2022.
 
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201