Thứ Sáu, 3/5/2024 - 00:07:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tai nạn lao động: Hàng trăm người chết, nghìn tỷ đồng thiệt hại mỗi năm

THỨ HAI, 23/04/2018 14:45:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) tiếp tục có diễn biến phức tạp với sự gia tăng cả về số vụ việc, người thương vong và tài sản thiệt hại. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn liên tục kêu khó ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Điều này đồng nghĩa với việc chưa thể giảm thiểu nguy cơ tai nạn xảy ra đối với người lao động.

Tai nạn lao động vẫn gia tăng

Thống kê từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, TNLĐ xảy ra hằng năm gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Nếu ở giai đoạn 1995-2005, trung bình mỗi năm xảy ra 2.600 vụ TNLĐ, làm 260 người chết thì đến giai đoạn 2006-2016, con số này đã lên tới 6.000 vụ/năm, làm 600 người chết, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những hệ lụy xã hội to lớn do TNLĐ gây ra. 

Chỉ tính riêng trong năm 2017, trên toàn quốc, 8.956 vụ TNLĐ đã xảy ra, làm 9.173 người bị nạn, khiến hơn 900 người chết, gây thiệt hại về vật chất khoảng 1.500 tỷ đồng. 
 

Vụ sập giàn giáo làm hàng chục người thương vong tại Khu Kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) năm 2015. Ảnh Tư liệu

Tuy nhiên, đây mới chỉ là báo cáo, còn thực tế, con số này lớn hơn nhiều lần. “Số thương vong thực tế do TNLĐ cao gấp 2 - 3 lần con số thống kê. Nguyên nhân là do các DN bưng bít, tự thỏa thuận với gia đình nạn nhân để tránh báo cáo” - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Nguyễn Anh Thơ nói. 

Đáng lưu ý, lao động trẻ có tỷ lệ TNLĐ cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn. Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng chia sẻ, nguyên nhân là do lao động trẻ thiếu kinh nghiệm làm việc, nhận thức về các mối nguy hại tại nơi làm việc còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, họ dễ chấp nhận làm các công việc có điều kiện lao động ảnh hưởng xấu tới an toàn và sức khỏe. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động luôn tìm cách né tránh, hoặc thực thi không đầy đủ trách nhiệm đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động. 

Theo Cục An toàn lao động, nguyên nhân của thực trạng trên còn bắt nguồn từ các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATVSLĐ vẫn diễn ra phổ biến. Đó là việc nhiều DN không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề ATVSLĐ; tình trạng “ăn bớt”, rút ngắn thời gian huấn luyện ATVSLĐ… 

Khắc phục những kẽ hở pháp lý

Trước tình trạng vi phạm an toàn lao động có diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã yêu cầu, Cục An toàn lao động cần có chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật và huấn luyện về ATVSLĐ; ngăn chặn hành vi tiếp tay của các tổ chức này nhằm giúp DN trốn tránh thực hiện yêu cầu về ATVSLĐ; kiên quyết rút giấy phép hoạt động của các tổ chức vi phạm và công bố rộng rãi trong công chúng.

Năm 2017, Cục An toàn lao động đã phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thực hiện kiểm tra hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời, Cục phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại 30 DN, hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; qua đó thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. 

Tuy nhiên, việc xử lý tận gốc tình trạng vi phạm ATVSLĐ hiện nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Đơn cử, công tác thanh tra, kịp thời phát hiện vi phạm của DN vẫn gặp khó. Bởi lẽ, đoàn thanh tra muốn kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ của DN phải báo trước. “Đây là kẽ hở pháp lý khiến DN có sự chuẩn bị trước và che giấu thông tin vi phạm” - ông Nguyễn Anh Thơ nêu. 

Đại diện Cục An toàn lao động cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay, việc thanh tra chủ yếu được thực hiện tại các DN trong khu vực chính thức, còn khu vực phi chính thức với hơn 26 triệu lao động vẫn bị bỏ ngỏ, trong khi đây lại là nơi ít tuân thủ quy định ATVSLĐ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ nhất. 

Năm 2017, qua thanh tra tại 216 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.794 sai phạm, xử phạt hành chính hơn 1,4 tỷ đồng. So với những hậu quả để lại, chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. 

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của DN, người lao động về ATVSLĐ, những vướng mắc nêu trên cần nhanh chóng được tháo gỡ để giảm thiểu các vụ TNLĐ, góp phần tạo dựng một môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.
 
Ngày 28/4, cả thế giới sẽ hưởng ứng Ngày Thế giới về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Tháng 5 tới, Tháng hành động về ATVSLĐ trong cả nước sẽ được khởi động với việc tập trung giải quyết vấn đề ATVSLĐ trong những ngành nghề có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao. Dự kiến, năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành thanh tra lĩnh vực khai thác khoáng sản.
 

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 19-4-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201