Thứ Sáu, 3/5/2024 - 03:36:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tai nạn lao động: Nỗi đau bao giờ có hồi kết?

CHỦ NHẬT, 31/07/2022 20:23:22 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Nguy cơ mất an toàn lao động vẫn đang hiện hữu. Nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã gây ra nỗi đau khôn nguôi cho bao gia đình. Các bên liên quan cần làm gì để những nỗi đau này không còn tái diễn?

Lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân trong vụ TNLĐ tại Công ty TNHH Daesang Việt Nam. Ảnh:molisa.gov.vn
Nỗi ám ảnh vì tai nạn lao động

Dù chuyện đau lòng đã xảy ra cách đây khá lâu nhưng bà B.T.G (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) vẫn chưa thể nguôi nỗi đau mất đi người con trai duy nhất do TNLĐ.

“Nhà có 4 người con, D là đứa con trai duy nhất. Nuôi con khôn lớn, thấy con trưởng thành lập gia đình và có công việc gần nhà, tôi rất mừng. Cứ ngỡ cuộc sống mình về già sẽ được sum vầy, an yên bên con cháu nhưng ai ngờ con mất vì TNLĐ. Sáng con vẫn chào mẹ để đi làm mà chiều đến nghe tin con đã mất. Tôi ngã quỵ chẳng thiết sống. Nhưng nhìn 2 cháu nội tội nghiệp, tôi lại gắng sống để chăm sóc cháu, đỡ đần cho con dâu” - bà G nghẹn ngào chia sẻ.

Đã gần 4 năm trôi qua, TNLĐ vẫn để lại những nỗi ám ảnh và mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần đối với anh Trần Văn Bảo (công nhân một Công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Năm 2018, trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, trục máy vẫn tiếp tục hoạt động nên cuốn theo cả hai bàn tay của anh vào máy. Sự cố đã khiến tay anh bị thương nặng, tỷ lệ thương tật 57%. Mặc dù đã được phẫu thuật nối gân nhưng đến nay, đôi bàn tay anh vẫn khó cử động.

Thời gian đầu, anh buồn nản, mặc cảm, định trở về quê, từ bỏ cuộc đời công nhân. May mắn được sự hỗ trợ, động viên của Công ty, anh Bảo tiếp tục kiên trì điều trị để ổn định dần sức khỏe.

Những thương tật, mất mát do TNLĐ không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình bà G, anh Bảo mà còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của biết bao gia đình trước thực trạng TNLĐ tại nơi làm việc có xu hướng gia tăng.

Mới đây, ngày 18/7, tại Công ty TNHH Daesang Việt Nam, vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra, làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Cụ thể: Công ty TNHH Daesang Việt Nam hợp đồng với Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội nạo vét, thu gom bùn thải tại bể chứa phân lỏng 274 của Công ty TNHH Daesang Việt Nam.

Trong quá trình lắp máy bơm để hút bùn, 2 công nhân của Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội bị ngạt khí độc. Ngay sau đó, 3 công nhân vận hành lò hơi của Công ty TNHH Daesang Việt Nam làm việc gần đó chạy vào cứu, hậu quả cũng bị ngạt khí độc.

Hoàn thiện cơ chế, đẩy lùi tai nạn lao động

Thực tế cho thấy, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn hiện hữu những nguy cơ và thách thức. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này. Không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.
 

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH làm việc tại hiện trường xảy ra vụ TNLĐ tại Công ty TNHH Daesang Việt Nam. Ảnh:molisa.gov.vn


Đề cập đến nguyên nhân khiến TNLĐ vẫn hiện hữu, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng, bên cạnh ý thức của người lao động và chủ sử dụng lao động, quá trình thực thi Luật An toàn vệ sinh lao động vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, theo ông Hà Tất Thắng, vẫn còn một vài nội dung của Luật chưa được xây dựng văn bản quy định chi tiết. Việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, cập nhật. Nhiều thông tư, quy định của các bộ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng Luật.

Chất lượng văn bản còn hạn chế dẫn đến tình trạng phải sửa đổi, thay thế trong thời gian ngắn hoặc gây vướng mắc trong thời gian thực hiện hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, phạm vi thông tin tuyên truyền còn hạn chế, đặc biệt với nhóm đối tượng lao động không có hợp đồng lao động và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

“Việc chấp hành quy định về trách nhiệm của UBND các cấp trong báo cáo HĐND cùng cấp về công tác an toàn vệ sinh lao động trong Luật An toàn vệ sinh lao động còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn... Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế để thực thi và xử lý những vi phạm là rất cần thiết” - ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC - MINH LONG


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201