Thứ Sáu, 29/3/2024 - 03:36:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao năng lực quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục

THỨ HAI, 09/12/2019 09:20:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng trên toàn quốc. Cùng với những yêu cầu cấp thiết trong việc chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới, yếu tố quản trị trong nhà trường đang được đặt ra và được coi là yếu tố quan trọng để góp phần đưa chương trình mới vào thực tiễn.

Phải chuẩn hóa đội ngũ quản lý giáo dục

Quản trị trường phổ thông là biện pháp quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết là thay đổi cách dạy và học. Vậy thay đổi quản trị phổ thông bắt đầu từ đâu là câu hỏi được nhiều chuyên gia, những người có chung mối quan tâm đến giáo dục đặt ra, trong bối cảnh chương trình mới sắp được áp dụng. 

Do đó, thời gian qua, nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến vấn đề này đã được tổ chức để tìm ra câu trả lời cũng như có cách tiếp cận phù hợp đối với vấn đề quản trị nhà trường và thông qua vấn đề quản trị để làm gia tăng hiệu quả giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), phạm vi của quản trị rất rộng, nhưng mục tiêu chung hướng đến là đổi mới cách thức giảng dạy của giáo viên phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, để có thay đổi này thì trước tiên cần phải thay đổi tư duy quản lý, năng lực quản lý của đội ngũ quản lý giáo dục. 

Đây cũng là những vấn đề đáng chú ý được đề cập tại Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục” do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội), xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là một giải pháp quan trọng trong các nhóm giải pháp lớn để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và cũng là vấn đề cấp bách cần thực hiện, bởi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng chính thức từ năm học 2020-2021.

Mô hình quản trị của nhà trường khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thể hiện rõ hơn vai trò của hiệu trưởng, đó là tập trung vào lãnh đạo để phát triển nhà trường, quan tâm đến tầm nhìn sứ mệnh, tạo giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường, phải tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về các vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - cho rằng tính tự chủ của các trường phổ thông công lập hiện nay là rất thấp. 

Theo ông Nhâm, nếu trong mô hình công lập truyền thống thiên về hành chính, luôn chấp hành, thực hiện triển khai các hướng dẫn, chỉ thị theo phân cấp quản lý giáo dục thì mô hình tự chủ hướng nhà trường chủ động để ra những định hướng phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể. Do đó, cần hướng hiệu trưởng thành người cán bộ quản lý năng động, sáng tạo nhằm cải thiện không ngừng mối quan hệ với học sinh và phụ huynh, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên… Mục đích cuối cùng là đảm bảo công bằng, hiệu quả và chất lượng giáo dục phổ thông. 

Nâng cao tính chủ động của các trường

Làm sao để nâng cao hiệu quả quản trị của nhà trường, nâng cao vai trò của lãnh đạo nhà trường khi mà quyền tự chủ của các trường - giải pháp quan trọng để tháo gỡ các vấn đề trên - đang ở mức thấp? Đâu là nguyên nhân khiến cho các trường chưa thực sự chủ động trong việc quản lý, điều hành?

Dẫn kinh nghiệm từ Trường Phan Huy Chú - trường công lập tự chủ chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội - Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm chia sẻ, nguyên nhân đầu tiên khiến cho công tác tự chủ cũng như tính quản trị trong trường phổ thông chưa cao là do các trường phổ thông vẫn chưa có một cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng để từ đó vận dụng và phát huy những nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất hay phát huy tối đa sự năng động nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên. Tiếp đến là các trường chịu giám sát quá chặt của nhiều cơ quan quản lý và chịu sự can thiệp vào hoạt động từ phân bổ tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng nhân sự, các trường chỉ có thể tự chủ một phần kinh phí sau khi tiết kiệm các khoản chi thường xuyên.

Dẫn Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có quy định về quản trị nhà trường, bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) - cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng trong quản trị nhà trường là tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục học sinh thông qua huy động, sử dụng các nguồn lực, giám sát, đánh giá trên cơ sở tự chủ, có trách nhiệm giải trình để phát triển nhà trường. Tuy nhiên, lâu nay, tự chủ trong trường phổ thông chưa được đánh giá đúng. Theo bà Nhiếp, tự chủ sẽ tạo áp lực và động lực cho mỗi cán bộ, giáo viên phải thay đổi để phát triển. Đây là vấn đề cần nhìn nhận và có giải pháp khắc phục, trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Trên cơ sở nhìn nhận thực trạng về quản trị trong nhà trường hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là một trong những mục tiêu trọng tâm của đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông; đây là nhân tố cơ bản thúc đẩy nhà trường tạo ra những điều kiện tốt hơn cho dạy và học. Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới giáo dục sẽ áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong dạy học, việc trao quyền chủ động cho các trường và lãnh đạo nhà trường trong việc quản trị, trong đó có quản trị hoạt động dạy học, quản trị nhân sự... càng trở nên cấp thiết.

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201