Thứ Sáu, 26/4/2024 - 17:06:52 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tinh giản biên chế ngành giáo dục: Phải bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp

THỨ TƯ, 20/11/2019 09:25:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Vấn đề tinh giản biên chế trong giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế ngành giáo dục, trong đó có tinh giản giáo viên cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo đúng chủ trương và thận trọng, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ giảng dạy?

Áp lực từ tinh giản biên chế

Thời gian qua, nhiều địa phương như: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tăng dân số cơ học quá lớn, khiến số học sinh tăng cao mỗi năm. Song do áp lực tinh giản biên chế, các địa phương này phải giảm biên chế theo kế hoạch giống như các đơn vị sự nghiệp khác. Điều này dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ về giáo dục đào tạo vừa phải thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế.

Là một trong những địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, nhưng Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Giống như nhiều địa phương khác, ngành giáo dục Hà Nội đang lo ngại trong trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, sẽ không đảm bảo đủ giáo viên phục vụ cho công tác giảng dạy. Đặc biệt, việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, với mức tính định biên như hiện nay sẽ không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tình trạng biên chế giáo viên trong lĩnh vực giáo dục hiện nay tồn tại nhiều bất cập khi nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Qua rà soát trên cả nước, số giáo viên các cấp còn đang thiếu là 87.000 giáo viên. Nhằm khắc phục bất cập này, thời gian qua, Bộ đã thực hiện một số giải pháp bước đầu để cân đối lại nguồn lực, đảm bảo khai thác, phát huy hiệu quả dựa trên nguồn lực sẵn có, như: đào tạo lại để bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh. 

Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chủ trương tinh giản biên chế, ngành giáo dục cũng phải thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch đề ra. Áp lực từ tinh giản biên chế khiến cho nhiều địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2015)... Thậm chí, có địa phương đã cho hàng trăm giáo viên hợp đồng, có thâm niên công tác hàng chục năm phải nghỉ việc, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Giảm biên chế quản lý, tăng biên chế giáo viên

Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế trong giáo dục, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chủ trương này cần phải được xem xét thận trọng trước khi triển khai. 

Trong khi nhiều địa phương đề nghị cần xem xét tỷ lệ tinh giản giáo viên cho phù hợp, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM lại đề nghị Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục, bởi số lượng học sinh theo học đang quá tải và thiếu giáo viên đứng lớp trầm trọng. 

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, bảo đảm hợp lý. Theo đó, lộ trình là giảm cán bộ quản lý và phục vụ, tăng giáo viên ở mức hợp lý. 

Trả lời vấn đề này tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là yêu cầu chung của các cơ quan, đơn vị, trong đó có ngành giáo dục. Trong lộ trình thực hiện chủ trương này, ngành cũng phải thực hiện cả ba chỉ tiêu là vừa giảm biên chế, vừa giảm số đơn vị trực thuộc và vừa phải bảo đảm xã hội hóa. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ngành giáo dục trước mắt phải giảm tỷ lệ số biên chế làm gián tiếp, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp xuống và tăng số biên chế trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy lên đạt 65%. Bên cạnh đó, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là “có người học thì phải có giáo viên đứng lớp”. 

Trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, song quan tâm đến tính đặc thù của giáo dục, mới đây, Bộ Nội vụ vừa chính thức có Công văn đề nghị các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước. Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động và căn cứ chỉ tiêu giáo viên còn thiếu, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. 

Với quan điểm luôn lắng nghe và chia sẻ với ngành giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt, kịp thời, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn giáo viên có thâm niên công tác trên cả nước trước nguy cơ bị cho thôi việc; đồng thời tạo sự yên tâm công tác cho hàng triệu giáo viên trước ngưỡng cửa tinh giản biên chế.

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201