Thứ Năm, 25/4/2024 - 00:14:08 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Đổi mới để ngăn chặn tiêu cực

THỨ HAI, 17/12/2018 14:25:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Hàng loạt thay đổi, điều chỉnh trong phương án thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố lấy ý kiến nhằm hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, thực chất. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện các phương án điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất khi áp dụng.

Trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm

Năm 2018, ngành giáo dục vướng phải bê bối lớn liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia. Hàng trăm bài thi tại nhiều địa phương bị can thiệp sửa điểm, nâng điểm. Sự việc khiến dư luận bức xúc, nhất là khi một số cán bộ của ngành giáo dục lại trực tiếp liên quan đến tiêu cực. Trước tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ việc, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, như: yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm; Bộ GD&ĐT phải khắc phục hạn chế và hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới. 

Rõ ràng, đây là nhiệm vụ nặng nề, áp lực bởi ngành giáo dục cần lấy lại niềm tin của cộng đồng. Trong bối cảnh toàn ngành sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020, yêu cầu chấm dứt tình trạng vi phạm như vừa qua càng trở nên quan trọng, cấp thiết với ngành giáo dục.  

Với nhiều điều chỉnh mới, Kỳ thi THPT quốc gia được kỳ vọng sẽ giảm tiêu cực - Ảnh: VIỆT HÙNG

Tại buổi công bố Dự thảo Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra mới đây, đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng bày tỏ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của Bộ trong việc chấn chỉnh tiêu cực như vừa qua tại kỳ thi sắp tới. 

Do đó, để sự việc tương tự không xảy ra, trong phương án thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT dự kiến chuyển khâu chấm bài thi trắc nghiệm về cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đảm nhiệm; điều động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. 

TS. Phan Ngọc Minh (Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM) kỳ vọng: “Sự tham gia nhiều hơn của các trường ĐH trong tổ chức thi và chấm thi là cần thiết, tăng mức độ tin cậy của các trường vào kết quả kỳ thi mà bản thân các trường lấy làm căn cứ tuyển sinh”. 

Trả lời báo chí về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cũng đồng tình với phương án giao cho trường ĐH, CĐ chủ trì việc chấm thi. “Việc các trường ĐH tham gia sâu vào kỳ thi sẽ giúp tăng tính khách quan trong các khâu tổ chức kỳ thi và khắc phục những kẽ hở khi kỳ thi được tổ chức ở địa phương” - ông Thắng nói. 

Đồng quan điểm, GS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - cũng cho rằng, sự tham gia nhiều hơn của các trường ĐH, CĐ vào kỳ thi là cần thiết, song ông cũng băn khoăn: Đối với bài thi tự luận do các Sở GD&ĐT chấm thi, liệu có đảm bảo triệt tiêu được gian lận hay không? 

Điều chỉnh về mặt kỹ thuật để tăng cường chức năng giám sát

Cùng với việc giao quyền chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT đồng thời triển khai một loạt giải pháp kỹ thuật khác như: đặt camera giám sát phòng chấm thi, “đánh phách” điện tử đối với Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh... nhằm tăng tính khách quan cho khâu chấm thi. 

“Sự thay đổi này của Bộ thuần túy về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy và học của giáo viên, học sinh các trường phổ thông” - đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết.

Cụ thể, trong phương án thi 2019, Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp lắp camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi, phòng chấm thi 24 giờ/ngày để tăng cường khả năng giám sát. Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng, giải pháp này là chưa đủ vì việc gian lận có thể xảy ra trong khâu coi thi. Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng đề xuất lắp camera ở tất cả phòng thi THPT quốc gia. Bởi TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - cho rằng: “Nếu có tiêu cực trong phòng thi thì thường không để lại dấu vết trên bài thi, vì thế, việc lắp camera sẽ hỗ trợ cho việc kiểm tra lại đồng thời có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực”. 

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiến hành sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép; bảo đảm trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời. 

Những điều chỉnh như trên được dự báo sẽ tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ, song theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, mức kinh phí cần được tính toán kỹ và có thể chấp nhận được, bởi tính chất, mức độ quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia. 

Có thể thấy, với những phương án được đưa ra, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong khâu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra vừa qua. Tuy vậy, điều mà xã hội kỳ vọng là đi kèm với những giải pháp kỹ thuật, Bộ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với việc chấm bài thi tự luận do sở GD&ĐT chủ trì; đồng thời phân rõ quyền và trách nhiệm cho các đơn vị tổ chức thi THPT quốc gia 2019, từ đó có cơ sở xử lý trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan khi xảy ra sai phạm.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201