Thứ Sáu, 26/4/2024 - 20:36:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số

THỨ HAI, 02/03/2020 15:53:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Lễ hội là một phần văn hóa truyền thống, giá trị tinh thần được tích tụ, gìn giữ bao đời. Nhưng theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, có không ít lễ hội đang bị mai một, biến mất hoặc bị hiện đại hóa, không còn giữ được những giá trị vốn có, đặc biệt là các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều lễ hội truyền thống bị mai một, thất truyền

Lễ hội của đồng bào các DTTS đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hoá của mỗi dân tộc, đồng thời thu hút khách du lịch đến với mỗi miền đất. Tuy nhiên, theo thời gian, không ít không gian văn hóa, lễ hội của đồng bào đang bị mai một, thất truyền hoặc dần hiện đại hóa. Ðơn cử như Tết Nào Pê Chầu (Tết cổ truyền, đồng thời là lễ hội truyền thống độc đáo của người Mông ở vùng Tây Bắc), là một trong những hoạt động tín ngưỡng lâu đời không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống của người Mông. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi lễ hội này diễn ra tại một số địa phương, hầu như các hoạt động chính đều tổ chức trên sân khấu với phông bạt xanh đỏ là những thứ không thuộc không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Trong lễ hội, một số bài hát, điệu nhảy vốn không phải của dân tộc Mông cũng được thể hiện, thậm chí còn do những đội văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn.

Tương tự, tại một số tỉnh Tây Nguyên, trong những năm gần đây, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống hiện đại, trên các buôn làng ngày càng thưa vắng tiếng cồng chiêng trong đời sống cộng đồng. Thay vào đó là một vài lễ hội tiêu biểu được các cấp, ngành tổ chức nhưng nội dung, hình thức, ý nghĩa và giá trị tinh thần đã được chuyển dịch, biến thể.

Không những bị “biến dạng”, nhiều lễ hội của đồng bào DTTS cũng đang dần bị thất truyền. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Điện Biên, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 dân tộc anh em đang sinh sống, hàng trăm lễ hội văn hóa, nghi lễ tâm linh, lễ nghi nông nghiệp… được đồng bào duy trì, tổ chức trong phạm vi dòng họ hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, qua thời gian, cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội, nhiều lễ hội dân gian, lễ nghi liên quan đến tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS đã bị mai một, thất truyền. Ví dụ như: Lễ Nhảy lửa của người Dao, huyện Tùa Chùa; Lễ Cầu mùa của người Si La, huyện Mường Nhé; Lễ cưới của người Xạ Phang (Hoa), huyện Mường Chà…

Tránh lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài đã ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Hơn nữa, việc tiếp thu văn hóa mới thiếu chọn lọc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lễ hội truyền thống của các dân tộc dẫn tới nguy cơ bị mai một, biến dạng. Đặc biệt, một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống cũng như việc hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có công trong việc lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. 

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 458/BVHTTDL-VHDT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phục dựng 7 lễ hội truyền thống các DTTS thuộc Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020. Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ đề nghị là trong quá trình phục dựng lễ hội cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại.

Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu, lễ hội dân gian truyền thống không nên tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc văn hóa dân gian; chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt. Đặc biệt, cần tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào DTTS.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, để công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống các DTTS hiệu quả, cần tuân thủ một nguyên tắc phổ quát là phải đồng bộ giữa 4 việc: nghiên cứu thấu hiểu - thẩm định bảo tồn - thực hành phát triển - quảng bá truyền thông. Cần có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược từ các cơ quan chức năng cho đến mỗi cá nhân - chủ thể của lễ hội để lễ hội phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, góp phần làm giàu tài sản văn hóa dân tộc.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201