Thứ Sáu, 29/3/2024 - 00:25:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Mở cửa trở lại, hệ thống bảo tàng nỗ lực đổi mới để đón công chúng

THỨ TƯ, 17/08/2022 16:40:00 | VĂN HÓA - THỂ THAO - GIẢI TRÍ
(BKTO) - Hòa chung vào nỗ lực phục hồi, hệ thống bảo tàng đã mở cửa trở lại với nhiều hoạt động sôi động, thu hút công chúng đến tham quan sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, nhiều bảo tàng cũng chú trọng đổi mới công tác tổ chức, trưng bày, đồng thời đẩy mạnh đưa công nghệ số vào các hoạt động của bảo tàng.

Du khách mua vé vào bảo tàng. Ảnh tư liệu


Bảo tàng tấp nập trở lại

Sau thời gian dài không đón khách trực tiếp, khi mở cửa trở lại, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam trở thành điểm đến của đông đảo du khách là học sinh, sinh viên, cũng như người tìm đến nghiên cứu, tham quan. Dù không gian triển lãm của bảo tàng khá hạn chế, song tính trung bình, mỗi ngày Bảo tàng đón 300-400 lượt khách, trong đó, cao điểm là ngày cuối tuần, bảo tàng có thể đón khoảng 1.000 khách tham quan.

Trong khi đó, bà Tô Thị Thủy Lâm - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, lượng khách đến Bảo tàng những tháng gần đây đã tăng đáng kể so với thời điểm đầu mở cửa sau đại dịch, với trung bình khoảng 300 khách mỗi ngày. Tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, Bảo tàng đã đón khoảng 25 nghìn lượt khách đến tham quan. Con số này dự kiến sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi bảo tàng đang có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn.
 

Miễn phí vé vào và tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam trở thành điểm đến của đông đảo du khách. Ảnh: N.LỘC


Với lợi thế là điểm đến nằm trong quần thể di tích gắn với Khu Di tích nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh thu hút công chúng ngay từ những ngày đầu mở cửa. Theo ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, lượng khách tìm đến bảo tàng có xu hướng tiếp tục gia tăng, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thị trường du lịch sôi động trở lại. “Đa số khách tham quan là du khách trong nước, song bảo tàng cũng ghi nhận nhiều đoàn khách quốc tế tìm đến, khi thị trường du lịch mở cửa hoàn toàn” - ông Hà cho biết.

Không khí tấp nập là ấn tượng chung được ghi nhận tại nhiều bảo tàng đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, cũng như các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), so với thời điểm năm 2021, lượng khách đến các bảo tàng đã tăng 90%. Tuy nhiên, so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, lượng khách đến bảo tàng vẫn kém tấp nập hơn rất nhiều. Một phần vì các bảo tàng vẫn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh, du khách cũng thận trọng hơn đối với những địa điểm đông người; nhưng nguyên nhân phần lớn là vì người dân tập trung vào sản xuất, kinh doanh, sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Nỗ lực đổi mới, đưa hoạt động của bảo tàng đến gần với công chúng

Làm thế nào để bảo tàng có công chúng thường xuyên, để bảo tàng khẳng định vai trò cần thiết không thể thiếu trong hệ thống các thiết chế văn hoá giáo dục? Làm thế nào để hoạt động trưng bày, đưa hiện vật đến với công chúng không bị gián đoạn? Đây là những câu hỏi được đặt ra từ nhiều năm nay đối với người làm công tác bảo tàng và càng trở nên bức thiết, sau những ảnh hưởng của đại dịch khiến cho hệ thống bảo tàng phải đóng cửa thời gian dài.

Từ những trăn trở này, thời gian gần đây, nhiều bảo tàng đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm với nhiều giải pháp đột phá được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả nhất định.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều chương trình, hoạt động đa dạng và chất lượng, ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng. Gần đây, Bảo tàng thường xuyên phối hợp với các công ty lữ hành, các trường học xây dựng những sản phẩm giáo dục chuyên biệt nhằm thoả mãn nhu cầu học tập và trải nghiệm nghệ thuật của du khách và các em học sinh.

Theo đó, các em học sinh được thăm quan các khu trưng bày theo chủ đề phù hợp dưới sự hướng dẫn của thuyết minh viên. Sau khi tham quan hệ thống trưng bày, các em tham gia làm trải nghiệm in tranh dân gian và một số hoạt động tại khu vực sáng tạo.

Xác định học sinh là đối tượng phục vụ rất quan trọng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho đối tượng này gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Đồng thời, Bảo tàng cũng đa dạng các hình thức giáo dục như tổ chức tham quan, trải nghiệm, trình diễn chương trình nghệ thuật truyền thống: múa rối nước, hát bội, tổ chức giờ học lịch sử tại bảo tàng để giới thiệu về di sản văn hóa…

Bên cạnh những sáng tạo riêng, phù hợp với đặc thù của bảo tàng, một trong những đổi mới mang tính đột phá đang được nhiều bảo tàng thực hiện, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của bảo tàng, xây dựng hệ thống di sản số để tạo sự hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam Vũ Văn Liên, trong suốt thời gian phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, song bảo tàng vẫn có thể giúp một bộ phận công chúng tiếp cận được các hiện vật. Đây chính là kết quả của nỗ lực ứng dụng công nghệ số bảo tàng mạnh dạn triển khai vừa qua. “Bảo tàng đã xây dựng bảo tàng “ảo” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu về bảo tàng; đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường kết nối với du khách trên hệ thống website” – ông Liên chia sẻ.

Mở cửa trở lại sau đại dịch, ngoài việc sưu tầm, bổ sung hiện vật và thiết kế, tổ chức thêm chuyên đề triển lãm mới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang đẩy mạnh yếu tố “chuyển đổi số” cụ thể bằng việc số hóa dữ liệu thông tin về các hiện vật trong bảo tàng.
 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày được nhiều bảo tàng áp dụng. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia


Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số là một bước tiến mới để bảo tàng ngày càng trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng. Điều này cũng phù hợp hơn với xu thế phát triển chung trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và phổ biến như hiện nay.

“Việc số hóa không chỉ giúp bảo tàng tiếp cận nhiều đối tượng công chúng và phát huy giá trị di sản, mà còn tăng sự tương tác giữa bảo tàng với công chúng, quảng bá di sản văn hóa, từ đó góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế” – TS. Vũ Thế Bình, chuyên gia về du lịch cho biết.
 
Nhờ ứng dụng công nghệ, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, người xem chỉ cần người xem nhấp chuột thì từng chi tiết của hiện vật sẽ hiện ra với những hình ảnh sống động, được thiết kế dạng 3D. Đơn cử như hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ, giờ không còn là một hình ảnh đen xám 2 chiều trên giấy. Chiếc trống hiện lên, quay tròn hoặc dừng lại, tự thấp xuống hoặc cao lên để người xem có thể ngắm từng chi tiết nhỏ.
 
NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự án siêu điểm đến và vị trí mới trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu của Quy Nhơn

Dự án siêu điểm đến và vị trí mới trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu của Quy Nhơn

(BKTO) - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đang đổi thay về hạ tầng du lịch với những gam màu nóng sôi động và sầm uất bên cạnh sắc xanh bình yên thơ mộng của một thành phố biển. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến mới của châu Á, nhất là với sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược và dự án đảm nhận vai trò “cú hích” quyết định.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201