Thứ Sáu, 29/3/2024 - 12:04:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước: Cấp bách nhưng cần thận trọng

THỨ HAI, 01/07/2019 14:10:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Trong bối cảnh tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bình quân của 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đã sát mức tối thiểu theo quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục đề xuất tăng vốn cho các ngân hàng này theo hướng cho phép giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, xung quanh phương án này còn những ý kiến trái chiều.

Cấp bách đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu

Các NHTM có cổ phần nhà nước chi phối gồm: NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng vốn điều lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, thời gian qua, các NHTM nhà nước đã xây dựng phương án cụ thể, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên đến nay, 3/4 ngân hàng này (trừ Vietcombank) vẫn chưa đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel II.

Trước yêu cầu cấp thiết của việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này, trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một Nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng NSNN để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc). Theo đó, NHNN đề nghị cân nhắc việc giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), qua khảo sát tình hình hoạt động của các ngân hàng trên cho thấy, hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của 4 NHTM nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4%, đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%). Nếu các ngân hàng này không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động; có thể ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thậm chí có ngân hàng phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo đánh giá của VNBA, việc tăng vốn điều lệ của Vietinbank là đặc biệt cấp bách. Từ năm 2014 tới nay, Vietinbank không được bổ sung thêm vốn điều lệ và hiện là ngân hàng có tiến độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các NHTM nhà nước. Chính vì vậy, năm 2018, Vietinbank chỉ tăng trưởng tín dụng được 6% (mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây). Từ đầu năm 2019 tới nay, Vietinbank không thể tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của Ngân hàng và nguồn thu NSNN.

Để đáp ứng được chủ trương và mục tiêu Chính phủ đề ra, VNBA cho rằng, cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước giúp 4 ngân hàng này được tăng vốn điều lệ kịp thời. Nhà nước đảm bảo vai trò chi phối; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các ngân hàng này là công cụ đắc lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách về lâu dài, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống các tổ chức tín dụng...

Có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh

Trước đề xuất của ngành ngân hàng, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc tăng vốn cho các NHTM nhà nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, về phương án tăng vốn vẫn còn những ý kiến băn khoăn, đề nghị cân nhắc thận trọng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, trước nhu cầu bức thiết cần tăng vốn, việc giữ lại cổ tức để tăng vốn cho các ngân hàng là cần thiết. Theo đại biểu, những năm qua, NSNN thu về từ lợi tức cổ phần của DNNN nhiều nên việc chọn lọc DNNN để đầu tư là cần thiết.

Đồng quan điểm, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm: Phương án giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các NHTM có vốn nhà nước là phù hợp trong bối cảnh thời gian qua những ngành, lĩnh vực nào Nhà nước cần tập trung phát triển thì phải được ưu tiên. Chúng ta cũng đang thoái vốn ở lĩnh vực không cần thiết thì có thể dùng vốn đó để tái đầu tư vào những lĩnh vực thiết thực hơn nhằm tăng cường năng lực.

Dưới góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, việc tăng cường vốn điều lệ cho ngân hàng để tạo ra sự vững mạnh của hoạt động ngân hàng và cũng là quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dùng nguồn tiền nào để tăng vốn lại là vấn đề. Đại biểu cho rằng, nếu dùng vốn ngân sách để tăng vốn cho các NHTM nhà nước sẽ không phù hợp, bởi hai lý do. Thứ nhất, bản thân ngân sách đang hạn hẹp phải đi vay nước ngoài. Thứ hai, việc thực hiện phương án này sẽ không tạo ra sự lành mạnh trong cạnh tranh, vì ngân hàng cũng là DN kinh doanh.

Cũng theo đại biểu Cường, Nhà nước có thể không trực tiếp lấy tiền ngân sách đầu tư trở lại, nhưng thực tế ngân hàng vẫn có thể sử dụng nguồn tiền từ ngân sách như quỹ phòng ngừa rủi ro của ngân hàng. Khi ngân hàng giải quyết nợ xấu xuống thấp, quỹ này dư ra được đưa vào lợi nhuận của ngân hàng thì phải trích từ phần lợi nhuận đó để tăng vốn điều lệ. Còn những gì thuộc về nghĩa vụ nộp ngân sách thì phải thực hiện. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị cần xem xét thận trọng vấn đề này để đảm bảo đúng quy định và đem lại hiệu quả, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang nặng gánh chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi cho an sinh xã hội... Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc xem xét tăng vốn cũng cần phải nâng cao năng lực về quản trị, điều hành để các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201