Thứ Sáu, 26/4/2024 - 21:53:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

THỨ BA, 25/10/2022 15:45:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.


Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bộ TN&MT


Thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone), Việt Nam đang trong lộ trình loại trừ dần các chất hydrochlorofluorocarbon (HCFC). Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, và 1.300 tấn trong giai đoạn 2025-2030. Dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.

Từ năm 2024, Việt Nam bắt đầu lộ trình loại trừ các chất chlorofluorocarbon (HFC) và sẽ phải thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029, giảm dần lượng tiêu thụ tiến tới giảm 80% mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2045.

Để thực hiện các mục tiêu này, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - ông Nguyễn Tuấn Quang - cho biết, Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về bảo vệ tầng ozone đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo vệ tầng ozone, gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 92), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 45, Điều 46); Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo ra khung pháp lý quan trọng để quản lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Trong đó bao gồm các quy định điều chỉnh các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong xuất, nhập khẩu và sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính…

“Các quy định trên đều có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty xuất, nhập khẩu hóa chất, thiết bị, sản xuất thiết bị, thu gom, xử lý chất thải nguy hại; ban quản lý các tòa nhà cao tầng và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí” - ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực quản lý vòng đời các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal: chia sẻ kinh nghiệm quản lý theo vòng đời các chất được kiểm soát; phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý các chất; đào tạo năng lực cho cán bộ kỹ thuật; phổ biến và hướng dẫn thực thi quy định pháp luật…

Ông Makoto Kato - Trung tâm Hợp tác môi trường quốc tế Nhật Bản - cho hay, thời gian tới, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giảm sát HFC, nhằm minh bạch hóa công tác quản lý và giao dịch trên hệ thống điện tử.
 
Tháng 9/2022, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật đẩy mạnh quản lý vòng đời các chất Fluorocacbon. ADB sẽ hỗ trợ về nâng cao kiến thức, nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ; thực hiện các nghiên cứu về khả năng ứng dụng công nghệ, giải pháp sáng tạo và mô hình kinh doanh phù hợp với Việt Nam; hỗ trợ triển khai các hành động nhằm tăng cường quản lý vòng đời của các chất Fluorocacbon cho các cơ quan chính phủ có liên quan.

Theo bà Nguyễn Đặng Thu Cúc - Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu, hiện Bộ TN&MT đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, trình ban hành trước ngày 31/10/2023.

Quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023, Bộ TN&MT đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng năng lực cho đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng và áp dụng các thực hành tốt để giảm rò rỉ môi chất lạnh thất thoát ra môi trường; khuyến khích và có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, áp dụng các giải pháp thay thế không sử dụng HCFC càng sớm càng tốt; xây dựng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn liên quan về đảm bảo an toàn trong sản xuất, sử dụng những môi chất lạnh thân thiện với khí hậu…

Để chuẩn bị xây dựng kế hoạch về quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal phù hợp với bối cảnh trong nước, Cục Biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện điều tra, khảo sát thu thập thông tin, số liệu về các lĩnh vực sử dụng các chất được kiểm soát và xác định các biện pháp quản lý, lộ trình áp dụng đối với từng chất được kiểm soát, cũng như sản phẩm/thiết bị có chứa các chất đó./.

HỒNG NHUNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201