Thứ Sáu, 29/3/2024 - 05:51:32 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Công khai, minh bạch trong triển khai các dự án BOT

THỨ HAI, 11/06/2018 08:25:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể xung quanh những bất cập, hạn chế trong thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để giải quyết những bức xúc của nhân dân đối với các dự án BOT như vừa qua, cần thực hiện minh bạch chính sách, công khai thông tin về BOT để nhân dân giám sát và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Công khai, kết nối dữ liệu thu phí tại các trạm BOT

Tại phiên chất vấn, hàng loạt vấn đề bất cập, bức xúc trong thực hiện các dự án BOT đã được đại biểu Quốc hội truy vấn trách nhiệm của Bộ GTVT như: khoảng cách đặt các trạm thu phí BOT chưa phù hợp, đặt sai vị trí; dự án BOT làm một nơi nhưng thu phí một nơi; có dự án dân không đi vẫn phải trả tiền...

Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. HCM), vấn đề được cử tri quan tâm nhiều nhất trong khai thác các công trình giao thông BOT là minh bạch chính sách, công khai thông tin và tạo sự đồng thuận của xã hội. Từ thực tế này, đại biểu nêu câu hỏi: Khi nào tất cả các trạm BOT công khai tổng mức đầu tư, số tiền đã thu hằng ngày và số năm thu phí trên bảng điện tử đặt tại trạm BOT giao thông? Đến thời điểm nào hoàn thành việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin kết nối dữ liệu thu phí tại trạm BOT với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế?
 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đang tập trung nhiều giải pháp để đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt để sớm quyết toán các dự án, sau đó sẽ điều chỉnh một cách đồng bộ. Khi đã có quyết toán điều chỉnh thì Bộ chỉ đạo các trạm công khai, minh bạch chi phí đầu tư, thời gian thu phí, các thông tin có liên quan để người dân giám sát.

Bộ trưởng cho biết, lộ trình trong năm nay, toàn bộ các trạm thu phí BOT trên quốc lộ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thu phí tự động, khi đó, toàn bộ các dữ liệu hằng ngày và tổng hợp cộng dồn được thể hiện trên các phần mềm, có kết nối hoàn chỉnh để giám sát tại trạm thu phí BOT, tại Tổng cục Đường bộ và các cơ quan có liên quan.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên các quốc lộ phải được thu phí tự động. Ngoài 88 trạm hiện nay đang xây dựng và đang khai thác trên các tuyến quốc lộ, theo số liệu thống kê, có 53 trạm nằm trên các đường tỉnh, các đường đô thị, các đường do địa phương quản lý, Bộ GTVT sẽ làm việc với các địa phương để thực hiện công khai, minh bạch.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: Chưa quyết toán, chưa biết tổng mức đầu tư thì dựa vào cơ sở nào để xác định mức thu phí BOT và thời gian thu phí BOT. Có phải là đang áng chừng mức thu phí hay không? 

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này, 58 dự án đang tổ chức thu phí đã được quyết toán. Trong đó, có 10 dự án đã quyết toán toàn bộ, 39 dự án gần như toàn bộ, 9 dự án quyết toán một phần. Nhà đầu tư trình lên 61.000 tỷ đồng, thẩm định và thống nhất 54.450 tỷ đồng, còn lại đang xem xét. Bộ đang tiếp tục làm với nhà đầu tư để công khai minh bạch chi phí đầu tư.

Trong 62 dự án liên quan đến địa phương, đã gửi lên 49 hồ sơ về giải phóng mặt bằng và Bộ đang tích cực kiểm tra, giám sát, cố gắng quyết toán giải phóng mặt bằng nhanh nhất để công khai, minh bạch. 

Lý giải vì sao quyết toán chưa xong mà vẫn tiến hành thu phí, Bộ trưởng cho rằng, toàn bộ quyết toán hiện nay mà nhà đầu tư trình lên có thể không chính xác 100% nhưng đa phần là đã đầu tư toàn bộ nên không thể dừng thu phí, vì phát sinh lãi đầu tư. Do đó, Bộ đang tích cực quyết toán để điều chỉnh lại hợp đồng chính thức. Hiện nay, trong thời gian thu phí mười mấy năm, nên linh động để nhà đầu tư thu phí nhưng phải nhanh chóng quyết toán.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh, người dân bức xúc khi mong muốn công khai thu phí lâu nay là bao nhiêu, mỗi ngày trạm thu của người dân bao nhiêu trên bảng điện tử công khai tại trạm thu phí. Việc này có khó khăn gì không? Mong muốn này có chính đáng không? Bộ có chỉ đạo việc công khai này hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc công khai số liệu ở trạm thu phí hoàn toàn trong tầm tay. Cuối năm nay, khi đưa vào thu phí tự động thì có hệ thống máy giám sát thường xuyên hằng ngày, hằng giờ, đảm bảo dữ liệu công khai, minh bạch. 

Hết năm 2019, kiểm toán, quyết toán tất cả các dự án BOT giao thông

Tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là phải tiếp tục rà soát các dự án BOT, xử lý, khắc phục hạn chế, xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng khẳng định: "Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không đầu tư trên các tuyến độc đạo, đảm bảo người dân có đủ sự lựa chọn trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông".

Kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những bất cập, vướng mắc trong thực tế, triển khai kết nối hệ thống thông tin dữ liệu về thu phí để đảm bảo sự công khai, minh bạch. “Đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước sẽ dùng trạm thu phí tự động không dừng và thực hiện kiểm toán, quyết toán tất cả các dự án BOT giao thông theo quy định” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với các trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không phù hợp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng có các phương án giải quyết dứt điểm, nhanh và tăng cường công tác thanh tra, giám sát để xử lý nghiêm các vi phạm này.

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 07-6-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201