Thứ Sáu, 19/4/2024 - 20:31:59 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch

THỨ NĂM, 11/06/2015 09:00:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO)-Tại cuộc họp báo giới thiệu một số điểm mới tại Dự thảo Luật Phí và lệ phí do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành có 73 loại phí và 42 loại lệ phí. Dự thảo Luật Phí và lệ phí sẽ còn 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí.


Theo Dự thảo Luật Phí và lệ phí, một số khoản phí thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế sẽ chuyển sang cơ chế giá dịch vụ. Ảnh:T.K
 
Theo ông Thi, Pháp lệnh hiện hành quy định các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước và DN cung cấp; mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định. Điều này chưa khuyến khích DN tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh theo hướng danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do DN cung cấp sẽ thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá.

Ông Thi cho biết, mục tiêu của việc xây dựng Luật Phí và lệ phí nhằm thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan; tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân vàdDN, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật quy định 51 khoản phí, trong đó, 36/73 khoản trong danh mục phí hiện hành được kế thừa (giảm 37 khoản) và 15 khoản phí quy định tại các Luật chuyên ngành được bổ sung vào danh mục.

Danh mục lệ phí theo Pháp lệnh hiện hành gồm 42 khoản lệ phí. Theo Dự thảo Luật, danh mục lệ phí còn 39 khoản. Trong đó, 30/42 khoản trong danh mục hiện hành được kế thừa và 9 khoản lệ phí quy định tại Luật chuyên ngành được bổ sung.

Dự thảo Luật quy định mức thu phí được xác định nhằm đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đối với lệ phí, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Pháp luật hiện hành; theo đó, mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ.

Dự thảo Luật quy định: Phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không chịu thuế. Đơn vị thu được để lại một phần phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp NSNN theo quy định của pháp luật. Phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không chịu thuế và quản lý, sử dụng phí thu được theo quy định của Chính phủ.

Lệ phí là khoản thu thuộc NSNN, cơ quan thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền lệ phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí do NSNN bố trí trong dự toán của cơ quan thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật.

Theo Dự thảo Luật, Chính phủ quy định chi tiết và phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí quy định tại danh mục; quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu; miễn, giảm phí, lệ phí; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục phí và lệ phí. Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được. HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu; miễn, giảm; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được phân cấp, do UBND cùng cấp trình theo quy định.

Trước các ý kiến lo ngại khi chuyển một số khoản phí thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế sang cơ chế giá dịch vụ sẽ dễ dẫn đến việc tăng mức thu, ông Thi cho biết, học phí và viện phí được chuyển sang giá dịch vụ nhưng vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước. Còn lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ là để đảm bảo đưa khoản thu lớn này về ngân sách (trung bình hàng năm trên 10.000 tỷ đồng) trong khi Việt Nam chưa ban hành Luật thuế Tài sản.

LÊ THÙY

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201