Thứ Bảy, 27/4/2024 - 09:47:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

THỨ SÁU, 10/11/2017 09:55:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Dù được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực song các đại biểu Quốc hội không khỏi lo lắng khi nạn tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, việc thực hiện biện pháp pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, tài sản thu hồi do tham nhũng còn quá khiêm tốn…

Chống tham nhũng chưa thực sự đột phá

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, công tác PCTN tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công; việc PCTN tại các Bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều và vẫn còn những hạn chế, yếu kém. 

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm minh. Đó là có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; có hiện tượng chạy tội, chuyển tội; nhiều nơi công tác PCTN còn hình thức. Mới chỉ phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm, còn cấp tỉnh rất ít.
 
Đại biểu Quốc hội Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán  đối với công tác PCTN. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, những bất cập, hạn chế trong thu hồi tài sản khi xử lý các vụ án tham nhũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ: Khi xử lý những vụ án tham nhũng, cho dù cơ quan điều tra, viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà lại không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra. 

Đại biểu Hoa cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do người phạm tội tham nhũng thường có vị trí, kiến thức nên che giấu rất tinh vi, tẩu tán tài sản, thậm chí tiêu xài hoang phí... “Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của công tác PCTN. Chính vì vậy, các cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án cần có sự quyết tâm hơn nữa, chủ động hơn nữa trong công tác này…” - đại biểu Hoa kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có là mục tiêu chính trong đấu tranh chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chỉ có một dòng nhạt nhoà “thu hồi có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp” và không đưa ra giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. 

Theo đại biểu Hiển, theo dõi một số vụ án lớn thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia "còn thất vọng hơn nhiều". Như vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng báo chí phản ánh đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.

Dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN cho thấy 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được, đại biểu Hiển cho rằng, việc thu hồi tài sản là quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. 

Tăng cường thanh tra, kiểm toán và công khai, minh bạch

Để nâng cao hiệu quả PCTN, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì công khai, minh bạch là “giải pháp của mọi giải pháp”. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), số lượng phát hiện cán bộ kê khai tài sản không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng. Qua đó cho thấy biện pháp này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) và đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng có chung nhận xét, công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng kê khai chính là biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng vừa giúp phát hiện xử lý những cá nhân có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng. Song việc kê khai chỉ hình thức, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác người kê khai, không ai kiểm tra, xác định, thẩm định, do đó rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng, công khai, minh bạch phải toàn diện, trong đó ngoài việc công khai, minh bạch việc kê khai tài sản thu nhập cần công khai, minh bạch về kết quả thanh, kiểm tra và xử lý tham nhũng.

Đề cập đến vai trò của công tác thanh tra, kiểm toán trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về công tác thanh tra, kiểm toán; có biện pháp cần thiết để hạn chế các đối tượng có dấu hiệu tham nhũng đối phó khi bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đặc biệt, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đối tượng nhạy cảm có thể xảy ra tham nhũng, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cơ quan này đối với công tác PCTN.

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201