Thứ Sáu, 19/4/2024 - 11:32:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với thực tiễn

THỨ SÁU, 10/08/2018 13:00:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Chiều 09/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Đánh giá cao vai trò tích cực của nguồn vốn vay nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước song kết quả giám sát cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này.

 

Toàn cảnh Phiên họp chiều 9/8 - Ảnh: quochoi.vn

Huy động vốn ODA tăng hơn 59%...

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, trong giai đoạn này, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với thời kỳ 2006-2010. Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD, chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.

Trong số vốn vay đã đàm phán, ký kết, phần sử dụng để cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư không có khả năng hoàn vốn thuộc nhiệm vụ chi của NSNN khoảng 21,5 tỷ USD, chiếm 65% tổng trị giá ký kết; cho vay lại khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 35% giá trị ký kết. Bình quân giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ NSNN, điều đó cho thấy vai trò quan trọng của nguồn lực vay ODA và ưu đãi nước ngoài.

 
Trong giai đoạn 2011-2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ VND). Trong đó, giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD chiếm 82,3%, vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD chiếm 11%, vay thương mại là 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng trị giá giải ngân. Đến 31/12/2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3%GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội). 
Các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực: giao thông , thủy lợi, năng lượng , môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Một phần quan trọng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là vốn viện trợ không hoàn lại đã được sử dụng để hỗ trợ giảm nghèo bền vững thông qua Chương trình 135 giai đoạn II, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên; các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng để thúc tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế; đẩy mạnh đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển.

Còn tình trạng dự án kéo dài, lãng phí, hiệu quả thấp

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành công của nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này.

Cụ thể, việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ chưa thống nhất đầu mối theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 dẫn đến trong triển khai thực hiện chưa thống nhất, gắn kết giữa đàm phán, ký kết với phân bổ, sử dụng vốn và cân đối nguồn lực trả nợ.

Việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan tâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay.

Kết quả giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể. Tính đồng bộ, kết nối của một số dự án chưa được chú trọng đúng mức,  điều này dẫn đến dự án chưa phát huy được hiệu quả bền vững, chưa có sức lan tỏa và kết nối vùng, miền làm giảm hiệu quả đầu tư.

Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có những dự án tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp so với tổng mức đầu tư của dự án, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Từ năm 2016, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật NSNN, vốn nước ngoài phải giải ngân theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi kế hoạch này chưa sát với tiến độ thực hiện dự án dẫn đến nhiều vướng mắc. Nếu cho phép các dự án giải ngân theo tiến độ thì giải ngân sẽ vượt hạn mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất lớn, không bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Có dự án thời gian chuẩn bị  kéo dài, chưa bám sát điều kiện thực tiễn, khi thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần, làm phát sinh chi phí. Một số dự án có thời gian vận động, thu hút nhà tài trợ kéo dài từ 3 - 5 năm làm mất tính cấp thiết, lạc hậu về công nghệ.

Một số dự án trả nợ chậm tiến độ, có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho NSNN. Hiệu quả sử dụng nguồn lực ODA ở một số dự án chưa cao. Tại một số dự án, để đạt được mục tiêu, mức chi phí phải bỏ ra là khá lớn trong khi hiệu quả sử dụng chưa thực sự tương xứng...

Từ kết quả kiểm toán của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra một số sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay nước ngoài như: việc giao vốn chưa phù hợp với hiệp định; việc bố trí kế hoạch vốn hằng năm còn chưa đúng đối tượng, chưa phù hợp với nhu cầu đăng ký của các Bộ, ngành; cá biệt có dự án còn chuyển sang chi thường xuyên; có những dự án vừa vay bảo lãnh Chính phủ vừa mua bảo hiểm dẫn đến tình trạng chi phí thực hiện dự án quá lớn so với quy định...

Đồng tình với nhiều đánh giá trong Báo cáo giám sát, tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đề nghị, trong thời gian tới, cần xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đang giảm dần; từng bước giảm tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tập trung vay vốn ODA để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, bảo đảm hài hòa giữa pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ...

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần nêu rõ trách nhiệm của một số cá nhân, Bộ, ngành, địa phương để sử dụng nguồn vốn này đạt kết quả cao hơn. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần giám sát chặt chẽ, chuyên sâu hơn nữa việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
 
 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Sau khi có chương trình giám sát, KTNN đã cử lãnh đạo Vụ Tổng hợp tham gia với Đoàn giám sát trong suốt thời gian giám sát. Đồng thời, KTNN đã có một báo cáo đầy đủ về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 theo yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, Báo cáo đã tổng hợp 2 cuộc kiểm toán chuyên đề về nợ công và 94 cuộc kiểm toán đã được KTNN tổng hợp theo yêu cầu của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách. Các cuộc kiểm toán này đều liên quan đến hoạt động vay ODA cũng như vay nước ngoài của Chính phủ trong suốt giai đoạn 2011-2016. Kết quả kiểm toán đã đánh giá cụ thể những mặt được, những bất cập, hạn chế và đưa ra các kiến nghị. Báo cáo giám sát cũng đã trích dẫn nhiều thông tin, số liệu từ kết quả kiểm toán.
 
N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201