Thứ Năm, 02/5/2024 - 09:09:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

THỨ SÁU, 04/09/2020 08:25:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu khi DN ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, tham gia nhiều hơn vào mạng lưới kinh doanh, chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu thanh toán điện tử của người dân cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản quá trình phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.


Nhu cầu thanh toán điện tử của người dân ngày càng tăng. Ảnh: P.Tuân

Phát triển tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng

Minh chứng cho sự phát triển tích cực của một số hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 69,2 triệu giao dịch với giá trị khoảng 50 triệu tỷ đồng. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch, đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống ATM, POS tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ với khả năng thanh toán thời gian thực, xử lý giao dịch đa kênh đã chính thức vận hành từ tháng 6/2020. 

Cùng với đó, ông Dũng cho biết, hiện có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị 399.000 tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019). Các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán. Giải pháp thanh toán qua mã QR Code được đẩy mạnh với khoảng 30 ngân hàng triển khai và toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn khi vẫn có tới 80% giao dịch thanh toán của người Việt là bằng tiền mặt. “Không thể đảo ngược xu thế thanh toán không dùng tiền mặt khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh tại Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, sau gần 4 năm triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, mặc dù đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Ở góc độ DN, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Gỡ rào cản thanh toán không dùng tiền mặt

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc cản trở quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Anh Dũng cho biết, nhiều cơ chế, chính sách cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh mới, giải pháp thanh toán sáng tạo. Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý. Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt do còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, lo ngại vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán. 

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, vẫn còn nhiều trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành khiến thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh. Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...
Từ thực tiễn DN, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post - nêu vấn đề, khó khăn trước hết là chi phí, thanh toán điện tử thì mất phí, trong khi thanh toán tiền mặt thì không mất phí. Vấn đề lớn nữa là có nhiều QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau và không thể thanh toán chéo, gây bất tiện cho người dùng. Do đó, giải pháp cần thiết là phải phát triển QR Code dùng chung cho các mã thanh toán ở các ví điện tử khác nhau.

Trên bình diện rộng hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Dự thảo Chương trình thử nghiệm thanh toán phi tiền mặt với Fintech. Do đó, sắp tới, Chính phủ có thể ban hành và thử nghiệm Chương trình này trong 2 năm. Tuy nhiên, ông hy vọng Chương trình được ban hành sớm với thời gian thử nghiệm ngắn hơn và Chính phủ sớm đưa ra những quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn để nhanh chóng thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ.
 
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Trong điều kiện Việt Nam mới có 60% người dân có tài khoản ngân hàng và 80% giao dịch là tiền mặt thì một chương trình quốc gia giáo dục cộng đồng về thanh toán phi tiền mặt là rất quan trọng. Với sự quyết liệt của Chính phủ, hy vọng chậm nhất tới năm 2025, 80% dân số Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng và chỉ còn 40% là giao dịch bằng tiền mặt.
PHÚC KHANG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201