Thứ Bảy, 27/4/2024 - 05:35:52 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước

THỨ NĂM, 09/02/2017 10:45:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ngày 02/02/2017 (tức mùng 6 Tết), tại trụ sở KTNN 111 Trần Duy Hưng - Hà Nội, KTNN đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc. Cùng đi với Thủ tướng có các đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương (T.Ư).

Về phía KTNN có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Cao Tấn Khổng, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, cùng đông đủ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN tại Hà Nội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và vui mừng khi lần đầu tiên KTNN được Thủ tướng đến thăm và chúc Tết, kể từ 23 năm thành lập và phát triển KTNN.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH TÙNG
Báo cáo với Thủ tướng về kết quả công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời gian qua, KTNN luôn nhận được quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành T.Ư, cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành, KTNN đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, 5 năm qua (2012 - 2016), KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 115.203 tỷ đồng, trong đó năm 2016 tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến thời điểm 20/01/2017 của 258 cuộc/269 cuộc kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 35.931 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015. Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, cũng như phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 500 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản, đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hàng trăm tập thể và cá nhân do những tồn tại, sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp hàng chục bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời...

Hiệu lực hoạt động kiểm toán đã có sự tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN qua từng năm ngày càng được nâng lên. Đặc biệt năm 2016 trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện xử lý tài chính 14.367 tỷ đồng, bằng 74,1% số kiến nghị kiểm toán năm 2015 (19.383 tỷ đồng) của KTNN, tăng cao so với năm 2015 (64,3%), trong đó số liệu kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN đã thực hiện 10.158 tỷ đồng/12.387 tỷ đồng, đạt 82%, cao nhất từ trước đến nay.

Trong năm qua, KTNN đã triển khai có hiệu quả Hiến pháp và Luật KTNN với việc ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, Hệ thống 39 chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế đã chính thức được ban hành, áp dụng vào thực tế hoạt động kiểm toán từ năm 2017. Hiện nay, KTNN đang tập trung xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hướng dẫn thi hành Luật KTNN năm 2015 và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán. Nhằm phát triển tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, KTNN đã hoàn thành và trình UBTVQH phê duyệt 03 đề án trong lĩnh vực tổ chức cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh và đổi mới toàn diện. KTNN cũng có nhiều giải pháp tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ của KTNN năm 2017, người đứng đầu KTNN cho biết, KTNN sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành 08 mục đích của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 với những nhiệm vụ, mục tiêu hết sức cụ thể.

Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016; chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc Chính phủ và các Bộ, ngành, căn cứ kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN, rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo; giúp đỡ để Bộ Chính trị thông qua Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cân đối bố trí đủ vốn cho các dự án của KTNN trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc xây dựng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan tới công tác kiểm toán cho KTNN.

Lắng nghe những kiến nghị này của KTNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: Thứ nhất, đó là các đơn vị được kiểm toán phải nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thứ hai, để tránh phiền hà cho DN, chúng ta không để xảy ra trùng lặp giữa thanh tra, điều tra và kiểm toán, muốn vậy thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần có sự phối hợp tốt hơn. Thứ ba, ủng hộ để KTNN có một số lượng biên chế nhất định nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị hiện nay. Thứ tư, ghi nhận kiến nghị về vốn đầu tư xây dựng trụ sở và phát triển công nghệ thông tin của KTNN để bố trí trong kế hoạch 5 năm. Thứ năm, sẽ xem xét sửa lại Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện những kết luận của KTNN. Thứ sáu, yêu cầu cung cấp hồ sơ cho KTNN để phục vụ một số nhiệm vụ là rất cần thiết, tuy mức độ công khai khác nhau, nhưng tất cả cơ quan sử dụng ngân sách, theo quy định của Luật KTNN đều phải được kiểm toán.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cụ thể đối với KTNN (nội dung ý kiến chỉ đạo Báo Kiểm toán trích đăng riêng).

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc xin hứa toàn ngành sẽ nỗ lực đoàn kết và phấn đấu hết sức để hoàn thành nhiệm vụ năm 2017. KTNN sẽ có trách nhiệm nỗ lực cùng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, cũng như rèn luyện tính liêm chính của cán bộ kiểm toán. Thời gian qua và hiện nay, khẩu hiệu của KTNN là xây dựng KTNN trở thành một cơ quan “Uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại” và cán bộ KTNN đặt tính liêm chính và trách nhiệm lên hàng đầu. Trong thời gian tới, KTNN sẽ tích cực tham mưu để Thủ tướng lãnh đạo kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như báo cáo thường xuyên, kịp thời với Thủ tướng những kẽ hở trong cơ chế, chính sách và các vấn đề sai phạm trọng yếu mà KTNN phát hiện qua quá trình kiểm toán. Đồng thời, KTNN mong muốn được Thủ tướng tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và chỉ đạo để ngành ngày một phát triển. Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được KTNN tiếp thu, lĩnh hội và tập trung thực hiện trong thời gian tới. Niềm vinh dự khi lần đầu tiên được đón Thủ tướng Chính phủ tới thăm sẽ được KTNN biến thành hành động.

Nhân dịp này, thay mặt cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến KTNN và kính chúc Thủ tướng sức khỏe, hạnh phúc, lãnh đạo đất nước phát triển thịnh vượng.
 
NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201