Thứ Bảy, 20/4/2024 - 16:22:48 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng khả năng tiếp cận vốn để chặn tội phạm tín dụng “đen”

THỨ BA, 14/08/2018 07:00:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Tại Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chiều 13/8, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ bức xúc về tình trạng tội phạm tín dụng “đen” hoành hành và đề nghị Bộ Công an có giải pháp để ngăn chặn hiệu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), tình trạng tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi đang có nhiều diễn biến phức tạp, hình thành tổ chức đòi nợ thuê hoạt động công khai, manh động nhưng việc phát hiện, xử lý chưa kịp thời.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định hoạt động tín dụng “đen” là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm  tăng cao vừa qua, rất cần được xử lý quyết liệt. Đây là loại tội phạm hình sự nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới giữa tội phạm kinh tế và tội phạm hình sự rất khó phân biệt.
 

Bộ trưởng  Tô Lâm trả lời chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng, tội phạm tín dụng “đen” còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của người dân. Phần lớn đối tượng cầm đầu đều là thành phần bất hảo, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; từ chỗ có tiền vốn cho vay với lãi suất cao sau đó có những băng nhóm tội phạm siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng DN để thực hiện hành vi phạm tội.

Bộ Công an xác định, với tổ chức cho vay tín dụng “đen” mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu, cần tập trung đấu tranh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) huy động tiền nhàn rỗi trong dân, tổ chức tín dụng nhằm giải quyết tiếp cận vốn của người dân… để loại tội phạm này không còn đất hoạt động.

Tham gia trả lời làm rõ thêm vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, bản chất tín dụng “đen” là hoạt động cho vay dân sự không qua các tổ chức tài chính, không có đăng ký kinh doanh, khoản vay thường phục vụ vay vốn nhanh, cấp bách; điều kiện, thủ tục cho vay nhanh gọn, lãi suất rất cao theo thoả thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự ngoài tổ chức cho vay chính thức theo quy định của luật.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc xử lý những hạn chế, bức xúc của hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là vùng nông thôn. Chính phủ và NHNN đã có nhiều giải pháp, đưa ra các quy định về lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn với mức ưu đãi; nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chính thức cung ứng các nguồn vốn cho vay như: mở các chi nhánh tín dụng ở vùng sâu, vùng xa; thông qua các kênh cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng nhân dân… nên nhu cầu vốn của người dân đã phần nào được giải quyết. 

Tuy nhiên, thực tế một bộ phận người dân và DN có nhu cầu vay vốn gấp trong khi các tổ chức tín dụng cần có thời gian thẩm định khi cho vay và có các quy định để phòng ngừa rủi ro. Chính vì vậy, trong thời gian tới, một mặt NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, Quỹ Tín dụng nhân dân mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn, thanh toán, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt hơn chính sách cho vay ưu đãi; đơn giản hoá thủ tục cho vay vốn, thanh toán để tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn dễ hơn nữa.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng, việc kiểm soát hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, chứ không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201