Thứ Sáu, 29/3/2024 - 18:04:32 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường đối thoại chính sách, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

THỨ SÁU, 01/10/2021 12:35:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sáng ngày 30/9, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Buổi làm việc được thực hiện trực tuyến tại Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Khôi phục hoạt động kinh doanh một cách an toàn

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, DN Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực mà Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ người dân khỏi Covid-19; đồng thời cảm kích khi lãnh đạo Quốc hội Việt Nam cùng lãnh đạo các cơ quan đã có đối thoại với DN để tiếp nhận các kiến nghị nhằm tìm ra cách khôi phục hoạt động kinh doanh một cách an toàn.

Các DN đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm hỗ trợ các hoạt động của DN nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 như tiếp tục có các gói hỗ trợ liên quan đến miễn, giãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí trên cơ sở cân nhắc, đánh giá tình hình một các hợp lý, bảo đảm bình đẳng trong đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; sớm mở cửa trở lại quy mô rộng hơn để nhiều nhà máy được mở cửa sản xuất nhiều hơn, công suất cao hơn, hỗ trợ hoạt động chuỗi cung ứng.

Đại diện tập đoàn NIKE nhấn mạnh, không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững; đồng thời việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các địa phương.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ..), bà Nguyễn Nguyệt - Giám đốc Chính sách công Đông Nam Á của NETFLIX đánh giá rất cao quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp mới nổi có thể có tác động giúp các ngành khác tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là du lịch. Do đó, cần phải rà soát toàn diện và sửa đổi khung pháp lý để từ đó thể hiện rõ quan điểm coi điện ảnh là một sản phẩm văn hóa có giá trị cao, một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó với các chính sách kèm theo nhằm phát triển ngành như một lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, NETFLIX đề nghị Luật cần quy định hậu kiểm nhằm để các hãng phim mang đến nhiều tác phẩm điện ảnh cho khán giả.
 

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại buổi làm việc. Ảnh: Tư liệu TTXVN


NETFLIX cũng đề nghị Việt Nam tập trung hơn nữa cho kinh tế sáng tạo vốn còn khiêm tốn khi ước tính chỉ chiếm 3% GDP, 6% việc làm và 4% xuất khẩu của Việt Nam. Nếu kinh tế sáng tạo phát triển sẽ tác động rất lớn tới nền công nghiệp điện ảnh mà Việt Nam muốn hướng tới.

Các DN như City Bank, IBM, Mastercard… cũng đánh giá cao mục tiêu trọng tâm của Việt Nam là chuyển đổi số trong Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030; cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để đạt được tham vọng số bằng cách tận dụng thế mạnh của mình và tạo ra các thể chế theo hướng khuyến khích và chấp nhận các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và mô hình kinh doanh số mới, có tác dụng phát triển tài chính bao trùm.

Các DN cam kết chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm, đề xuất đẩy nhanh sự phát triển của khuôn khổ pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính; lưu ý đến việc hài hòa các quy định pháp luật trong nước theo các thông lệ quốc tế liên quan đến chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo đảm an toàn an ninh mạng, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng lòng tin trên môi trường số,…

Hãng dược phẩm MSD thì đề nghị Quốc hội quan tâm tới các hiệp định quốc tế liên quan tới các nhà sản xuất thuốc và người sử dụng để kiểm soát rủi ro tài chính và hỗ trợ người bệnh tốt hơn.

Trong khó khăn tìm ra nhiều cơ hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các ý kiến, đề xuất của DN Hoa Kỳ đã phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng DN Việt Nam cũng như DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Từ ý kiến của các DN, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Càng trong những lúc khó khăn chúng ta càng tìm ra nhiều cơ hội nhất. Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ, dù hiện nay Việt Nam cũng đang còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời, hai bên vẫn có cơ sở, nền tảng tốt để tiếp tục hợp tác phát triển vì sự thịnh vượng chung”.
 

Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Vì vậy, xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam mong muốn các DN Hoa Kỳ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.


Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết cần tiếp tục có các gói hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn các chính sách tài khóa, đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ DN, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các DN đang bị thua lỗ, đang gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với vi rút SARS- CoV-2. Việt Nam mong muốn các DN tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế với các lợi ích về kinh tế - xã hội khác nhằm phục hồi phát triển kinh tế bền vững.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, khung khổ chính sách thống nhất về khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội để áp dụng nhất quán từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương, từng DN. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các DN Hoa Kỳ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện khung chính sách này trên tinh thần “Thảo luận kỹ lưỡng, quyết đoán khi ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết liệt, thống nhất” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng giải đáp trực tiếp về đề nghị của một số DN liên quan đến dược phẩm, vắc xin, thuốc mới điều trị và giấy phép lưu hành thuốc và chi trả bảo hiểm y tế; xem xét phê duyệt các báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi của các dự án hợp tác giữa DN hai nước.

Chia sẻ với những khó khăn của các DN Hoa Kỳ và các đối tác sản xuất tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Hoa Kỳ đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ này Quốc hội Việt Nam tiếp tục tập trung đổi mới hoạt động của Quốc hội cả lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, có tuổi thọ lâu dài, có thể tiên liệu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế.
 

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius và các DN Hoa Kỳ tại các điểm cầu. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong thời gian tới, các DN của Hoa Kỳ, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN sẽ tăng cường hơn đối thoại chính sách, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của những kiến nghị cụ thể mà còn đối thoại chính sách theo hướng đôi bên đều có lợi. Qua đó, Chính phủ sẽ nâng cao năng lực quản trị quốc gia, DN nâng cao năng lực quản trị DN và người dân, người lao động được hưởng lợi ích kinh tế; tăng cường góp ý cho hệ thống pháp luật, các chính sách theo tinh thần trách nhiệm, chia sẻ để hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống ở Việt Nam và dần hướng theo các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius cảm ơn những trao đổi, chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; đặc biệt đánh giá cao sự tích cực, chủ động và thiện chí của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khi chấp thuận lời đề nghị tổ chức cuộc đối thoại này.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân, DN để vượt qua khó khăn của đại dịch, thay đổi cách tiếp cận ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng DN mong muốn hợp tác với Chính phủ để duy trì hoạt động, sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng DN Hoa Kỳ ủng hộ việc thực hiện nhiệm vụ kép của Việt Nam và cam kết sẽ giúp Việt Nam để vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới./.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201