Thứ Sáu, 26/4/2024 - 01:00:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phó Thủ tướng Thường trực dự lễ công bố thành phố Tân An là đô thị loại II

CHỦ NHẬT, 15/09/2019 11:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ngày 14/9, tỉnh Long An đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Thành phố Tân An (tỉnh Long An) là đô thị loại II" và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm hỏi các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An qua các thời kỳ và đông đảo nhân dân thành phố Tân An.

Vùng đất “địa linh, nhân kiệt” của miền Tây Nam Bộ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng về sự phát triển của Long An, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, với bề dày lịch sử, văn hóa và anh hùng, bất khuất trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nơi đây gắn liền với tên tuổi Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực với chiến công Nhựt Tảo “Oanh thiên địa”; Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam thời cận đại với “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” bất hủ; Nguyễn Thông, nhà văn hóa lớn của miền Nam; Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, hậu tổ dòng âm nhạc tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng.

Long An cũng là vùng đất sinh ra các nhà chí sĩ cách mạng tiền bối như Nguyễn An Ninh, các Bí thư Xứ ủy như Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Hồ Văn Long, Trần Văn Giàu, Trương Văn Bang, cố Luật sư, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ và biết bao người con ưu tú khác.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng điểm lại truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ tiền bối trong kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Long An với phương châm đúng đắn, quân và nhân dân Long An giành nhiều thắng lợi vẻ vang với những chiến công oanh liệt, được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nêu gương 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Sau giải phóng Miền Nam, Long An tiếp tục là một trong những tuyến đầu trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhân dân Long An vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Polpot.

Trong những năm trước đổi mới, Long An đi tiên phong trong hành động và tư duy, gắn liền với tên tuổi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính, đó là lãnh đạo và thực hiện cuộc tiến quân khai mở tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, đã đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời lãnh đạo đi đầu thực hiện mô hình “một giá” đột phá vào cơ chế tập trung quan liêu cao cấp - những sự kiện này của Long An được xem như“đêm trước đổi mới”, không lâu sau, các cải cách này đã được áp dụng trong cả nước với các quyết định lịch sử tại Đại hội VI của Đảng năm 1986.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Vị trí quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Với vị trí địa kinh tế quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực ĐBSCL, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần cải cách, sự năng động, sáng tạo, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cải cách hành chính được tăng cường, năng lực cạnh tranh không ngừng nâng lên, năm 2018 xếp ở vị trí thứ 2 trong 13 tỉnh miền Tây và thứ 3 cả nước; đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính. 

Long An nổi tiếng với nhiều sản phẩm chủ lực chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là lúa gạo. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở nên nổi tiếng như gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành... Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được chăm lo tích cực, an ninh, quốc phòng giữ vững, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

Trong những thành công đó, phải kể đến vai trò, vị trí quan trọng của thành phố Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An. Tân An được xem là một trong những đô thị vệ tinh của TPHCM và là đô thị cửa ngõ của vùng ĐBSCL, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đường thủy bộ ngang qua.

Tập trung nguồn lực phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh-thông minh

Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố Tân An đã có bước phát triển hết sức quan trọng, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng, có sức cạnh tranh trong nước và thị trường quốc tế, cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi nhanh tạo ra hàm lượng sản phẩm có giá trị cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố Tân An được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị nói chung và thành phố Tân An nói riêng, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng mở rộng không gian phát triển đô thị được chú trọng, hình thành nhiều dự án khu dân cư, đô thị xanh, hiện đại đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho người dân, kiến trúc cảnh quan đô thị được nghiên cứu và tập trung triển khai đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại mang bản sắc vùng sông nước Nam Bộ. Công tác quản lý đô thị được tăng cường, văn minh đô thị được hình thành, tạo ra bức tranh đô thị ngày càng rõ nét, tô điểm cho thành phố trẻ bên dòng sông Vàm Cỏ Tây một sắc diện tươi mới, văn minh, hiện đại hơn. Từ đó, thành phố Tân An đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An và các khu vực lân cận.

Ngày 5/9/2019, thành phố Tân An đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Long An. Đây là sự ghi nhận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những kết quả, nỗ lực vượt bật của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân An, Long An. Từ nay, thành phố Tân An được nâng lên một vị thế mới với sức lan tỏa mạnh mẽ, là tiền đề để phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững, góp phần quan trọng đưa thành phố Tân An thành một đô thị phát triển năng động, toàn diện, bền vững, góp phần đưa Long An khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, với nhiều thành tựu đã đạt được, trước nhiều cơ hội lớn, những yêu cầu đặt ta đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An, thành phố Tân An tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, trung dũng, kiên cường, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để đạt được những kết quả cao nhất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tân An là đô thị loại II. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch lớn để Tân An phát triển

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Long An và thành phố Tân An tiếp tục triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ lớn.

Cụ thể là, trước hết địa phương cần khẩn trương rà soát, kịp thời cập nhật, bổ sung, sửa, đổi, điều chỉnh hoặc lập mới các quy hoạch, đặc biệt xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch các ngành kinh tế quan trọng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để Long An từng bước trở thành tỉnh công nghiệp phát triển bền vững. Trong đó chú trọng các quy hoạch đô thị vành đai vệ tinh cho TPHCM, trong đó có thành phố Tân An là trung tâm, quy hoạch phát triển thành phố Tân An theo tuyến Quốc lộ 1A kết nối với TPHCM thành tuyến đô thị động lực; phát triển đồng bộ hệ thống đô thị của tỉnh để trở thành những hạt nhân, những động lực cho tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng trong tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch phải xây dựng kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn, đặc biệt chú ý các công trình, dự án quan trọng có ý nghĩa động lực để triển khai đầu tư có hiệu quả.

Hai là, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị và các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Thực hiện tốt chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư để người dân đồng thuận với quá trình phát triển. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị gắn với ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Huy động tốt mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quan tâm chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hướng tới đô thị thông minh; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Ba là, tỉnh Long An cần tập trung huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho thành phố Tân An phát triển mạnh hơn, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, từng bước phát triển “đô thị xanh - thông minh” theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Tân An, tạo điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động, khẳng định được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Bốn là, thành phố Tân An tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, nâng cao nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt, đạt thấp so với quy định như: Diện tích sàn nhà ở bình quân cho khu vực nội thành; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; tỷ lệ tăng dân số hàng năm và tiêu chính về hệ thống giao thông.

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của  khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình  trao tặng phẩm chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân An. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tin tưởng với truyền thống cách mạng trung dũng, kiên cường, tỉnh Long An sẽ có nhiều đô thị mới, hiện đại, tầm vóc hơn. Riêng với thành phố Tân An, với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, các ngành cùng sự đoàn kết, quyết tâm vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, Phó Thủ tướng tin tưởng trong tương lai không xa, thành phố Tân An sẽ vươn lên ngang tầm với các đô thị trong khu vực và cả nước, có vị thế nhất định, xứng tầm là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Theo Lê Sơn
baochinhphu.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201