Thứ Sáu, 19/4/2024 - 08:19:16 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Năm 2019, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế đều được cải thiện rõ nét

THỨ HAI, 30/12/2019 16:49:01 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 diễn ra sáng nay (30/12). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị - Nguồn: chinhphu.vn


Kinh tế tăng trưởng nhanh, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc cho biết, giai đoạn trước đây, Việt Nam đã từng chấp nhận giảm tăng trưởng để giữ ổn định vĩ mô. Năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư (tổng thu cân đối 1.469 nghìn tỷ đồng, tổng chi cân đối 1.316 nghìn tỷ đồng), nợ công giảm từ hơn 64% vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Thu NSNN vượt trên 8% dự toán Quốc hội giao. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD và đã thặng dư 4 năm liên tiếp; dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD. “Đây là những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được” - Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2% (theo giá cố định) - cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 ước chỉ khoảng 12%, trong khi nhiều năm trước, tín dụng thường tăng trên 18-20%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc, trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan.

Bàn về việc đánh đổi giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng cho rằng, các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp: không đánh đổi/hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là: kinh tế - xã hội và môi trường. “Rất nhiều địa phương thời gian qua cũng đã lồng ghép 3 trụ cột phát triển này và thực tiễn cho thấy, 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến một sự phát triển toàn diện cho đất nước” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng quán triệt quan điểm: nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại là không đúng. Trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước. Thực tiễn đã chứng minh, địa phương kém phát triển hơn tăng tốc không hề làm suy yếu cơ hội của địa phương phát triển hơn và ngược lại. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn, góp phần đưa mức sống người dân nông thôn lên một bước cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, diện mạo đô thị ngày càng trở nên hiện đại, tính cạnh tranh được nâng lên. “Nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện lựa chọn, nó là câu chuyện phát triển bền vững và hài hòa theo các nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng XHCN” - Thủ tướng khẳng định.
 

Toàn cảnh Hội nghị - Nguồn: chinhphu.vn


Năm 2020, tập trung 9 nhóm vấn đề lớn

Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn gợi mở như sau:

Thứ nhất, tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2019, các Bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.

Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật; nhất là những chỉ số còn thấp như: giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).

Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm; kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…

Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số; hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch…

Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới, cần có giải pháp để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới.

Thứ sáu, cần có đột phá về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương.

Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn.

Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới. 

Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ, công chức. Các ngành, các cấp và địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức ngay trong năm 2020. Đặc biệt, chúng ta cần chuẩn bị tốt để thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chọn được người có đức, có tài.
XUÂN HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201