Thứ Ba, 23/4/2024 - 23:09:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Luật Đầu tư công (sửa đổi): Hơn 75% đại biểu Quốc hội đề nghị giữ tiêu chí phân loại dự án như hiện hành

THỨ HAI, 03/06/2019 22:25:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sáng 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp sáng 3/6- Ảnh:Quochoi.vn

Theo đó, 3 nội dung còn có ý kiến khác nhau được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội là: tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C; về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án Kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) và thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch ĐTCTH.

Đối với nội dung về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, UBTVQH đưa ra 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phương án 1: Giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành vì Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… 

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án; Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 02 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. 

Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, xin giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.

Phương án 2: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành vì: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án; mức vốn 10.000 tỷ đồng để xác định dự án quan trọng quốc gia được áp dụng từ năm 1997 theo Nghị quyết 05/NQ-1997-QH10 và được quy định tại Luật đầu tư công (năm 2014) là 10.000 tỷ đồng. 

Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành lên 20.000 tỷ đồng.

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử về nội dung này, đã có 367/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với phương án 01 (chiếm 75,83% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 57/429 đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành với phương án 01 (chiếm 11,78% tổng số đại biểu Quốc hội).
 

Kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trong Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Căn cứ kết quả biểu quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án Kế hoạch ĐTCTH, UBTVQH xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 02 phương án:

Phương án 1: UBTVQH và đa số đa số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Phương án 2: Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch ĐTCTH được Quốc hội thông qua vì quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. 

Mặt khác, danh mục dự án cần qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp; tính linh hoạt trong điều hành Kế hoạch ĐTCTH sẽ hạn chế. 

Vì vậy, để tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính đề nghị giao Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án, bảo đảm linh hoạt, sát thực tế trong điều hành Kế hoạch ĐTCTH. 

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với phương án 01, đã có 234/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 174/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 35,95% tổng số đại biểu Quốc hội).

Đối với phương án 02, đã có 206/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 42,56% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 204/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 42,15% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, kết quả biểu quyết cho thấy cả 02 phương án đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, vì vậy cần tiếp tục có những bước tiếp thu, giải trình cho phù hợp.

Nội dung cuối cùng được đưa ra biểu quyết lấy ý kiến là quy định về thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch ĐTCTH để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, UBTVQH cũng xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 02 phương án.

Phương án 1: Quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới. 

Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành và Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 05 Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước. 

Biểu quyết nội dung này, đã có 318/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 65,70% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 108/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 22,31% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 01, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.

Cũng trong phiên họp sáng 3/6, Quốc hội đã thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Qua thảo luận và lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử, đã có 383 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành chọn chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Sau khi quyết định chuyên đề giám sát tối cao, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201